Đà Nẵng là thành phố đầu tiên công bố lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn
Theo đó, lộ trình được thực hiện đến năm 2030, theo ba giai đoạn:
Giai đoạn khởi động (2022-2025): Nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị tiền đề ban đầu để bước vào giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn phát triển (2025-2030): Bắt đầu hành động và triển khai các dự án thí điểm trong 7 lĩnh vực ưu tiên gồm: quản lý chất thải rắn; nguyên liệu; năng lượng; khu công nghiệp sinh thái; tuần hoàn lương thực thực phẩm; tuần hoàn nước và công dân tiêu dùng xanh.
Giai đoạn chủ đạo (sau năm 2030): Kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo. Các dự án/chương trình thí điểm được đánh giá và mở rộng sang các ngành/lĩnh vực còn lại. Đến cuối năm 2045, thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.
Đà Nẵng đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Có 2-3 khu công nghiệp sinh thái; 50 công trình xây mới thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả; 85% chất thải rắn được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến; 100% hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra 3.200-3.500 việc làm tạo ra từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tăng lên 20%; 100% số lượng sản phẩm của thành phố được dãn nhãn sinh thái, năng lượng…
Khu công nghiệp Hòa Khánh được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Với kế hoạch này, Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn với kì vọng kế hoạch sẽ như một đòn bẩy để tạo ra một loạt các cơ hội mới cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện.
Từ trước đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan tâm đến việc thiết kế mô hình hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn như sản xuất gạch không nung, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn 2015-2019, Khu công nghiệp Hòa Khánh được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên địa bàn thành phố đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện như: Thùng thu gom pin thải; Mái nhà xanh (lắp đặt tấm pin mặt trời); Điểm tập kết rác văn minh; Khu dân cư tự quản về môi trường; Tổ thân thiện môi trường; Thôn không rác; Trường học không rác...
Nằm trong mục tiêu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, từ tháng 9/2021 Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng đã bắt tay thực hiện một chiến dịch truyền thông mới về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tới cộng đồng. Đó là chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”. Chương trình được đồng hành bởi Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA), PRO Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Một điểm thu đổi rác tái chế của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng
Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng triển khai như sử dụng các porter, tờ rơi hướng dẫn cách nhận diện các loại CTRSH có thể thu hồi, tái chế và tiến hành phát cho người dân tại các điểm giao thông, các chợ, siêu thị. Các túi đựng rác tái chế và tờ rơi đã được cán bộ truyền thông cấp phát đến các hộ dân phường Hoà Cường Nam thông qua các tổ trưởng của phường hoặc gắn trực tiếp trên các xe thu gom chất thải cùng với loa tuyên truyền góp phần tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân về phân loại và giá trị từ rác thải khi được phân loại đúng cách.
Bên cạnh đó, vào mỗi cuối tuần, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng lại tổ chức các điển thu đổi rác tái chế và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trên địa bàn. Số lượt người dân tham gia phân loại và thu đổi rác tăng lên qua mỗi đợt. Người dân khi mang rác tái chế (nhựa, giấy, kim loại) tới điểm thu đổi sẽ được nhận lại các sản phẩm như: nước rửa chén, xà phòng giặt đồ, sữa tắm, bộ ly thủy tinh… hoặc tiền mặt theo giá thị trường của từng loại rác.
Nhận thấy ý nghĩa của chương trình, nhiều cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ phường Hoà Cường Bắc, Hoà Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã tích cực tham gia hoạt động thu gom, phân loại và đổi rác tái chế để đổi lấy tiền mặt và dành khoản tiền đó đóng góp cho quỹ hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những mô hình hay trong hoạt động phân loại rác tại nguồn đang được triển khai tại Đà Nẵng, vừa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường lại có ý nghĩa xã hội thiết thực trong phong trào "tương thân tương ái”.
Có thể thấy trong bối cảnh các đô thị nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn thường xuyên phải đối mặt với những thách thức như tình trạng khối lượng chất thải liên tục tăng nhưng không có phương án xử lý hiệu quả và không khai thác được giá trị kinh tế từ chất thải, việc quản lý chất thải, tái chế, tái sử dụng rác thải là một phần không thể thiếu trong lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn của thành phố.
Lâm Hà