Năm 2024, TP. Huế cam kết giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa
Tới năm 2024, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cam kết giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa, đây là một trong những nội dung quan trọng tại Hội thảo khởi động Dự án "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” do UBND TP. Huế và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức.
Dự án "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF - Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.
Người dân ở TP.Huế hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh”, thu gom rác thải nhựa. Ảnh: Internet
Cụ thể, đến năm 2024, TP. Huế trở thành "Đô thị Giảm Nhựa” với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Các đối tác chính của dự án bao gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO)
Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024) với mong muốn đưa TP. Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.
HEPCO chung tay cùng dự án giảm thiểu rác thải nhựa ở Miền Trung
Nằm trong khuôn khổ dự án "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, nhằm xây dựng kế hoạch cho giai đoạn II (2022-2024) đại diện WWF Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa cùng các thành viên của dự án đã có buổi làm việc với HEPCO.
Cụ thể, giai đoạn 1 khởi động của dự án đang được triển khai, cùng với đó trong giai đoạn 2 (2022-2024) sẽ đi vào triển khai chi tiết, thực hiện vận hành Trung tâm thông tin Môi trường, triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, xây dựng trạm tái chế (MRF), thu gom rác tại các điểm nóng ô nhiễm…Thông qua các chương trình triển khai của dự án với mục tiêu của đến năm 2024, TP. Huế trở thành Đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi và đưa TP. Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT HEPCO đã đưa ra những định hướng, kế hoạch đồng hành cùng WWF trong các chương trình hành động của dự án, đặc biệt chú trọng công tác phân loại rác tại nguồn cần phải thực hiện sớm bởi tính cấp thiết theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Về nhân lực, cơ sở vật chất HEPCO cũng sẵn sàng hỗ trợ cùng WWF trong việc xây dựng Trung tâm Thông tin Môi trường (Trung tâm), dự kiến đưa vào hoạt động vào quý II/2022, hỗ trợ truyền thông, đồng hành thực hiện các chương trình của khuôn khổ dự án để cùng lan tỏa giá trị và mục đích dự án muốn hướng đến.
Không chỉ thực hiện tại Thừa Thiên Huế, WWF cũng đang triển khai dự án tại nhiều tỉnh, thành khác với thông điệp: "Giảm rác thải nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người, vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch”.
Theo thông tin mới nhất từ HEPCO, mô hình Đại Nội Huế làm từ nắp chai nhựa sắp được triển khai. Đây là 1 sản phẩm trong Trung tâm.
Trung tâm được HEPCO phối hợp thực hiện cùng tổ chức WWF trong khuôn khổ dự án " Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam". Đây là nơi phục vụ thông tin cho chương trình Phân loại rác tại nguồn sắp được triển khai tại TP. Huế. Dự kiến thời gian trung tâm đi vào hoạt động vào cuối tháng 3/2022.
Ngoài sự hợp tác cùng với WWF trong dự án giảm thiểu rác thải nhựa, HEPCO đồng hành cùng PRO Việt Nam triển khai Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.
Mô hình Đại Nội Huế được làm từ nắp chai nhựa. Ảnh: HEPCO
Với nhiều hoạt động truyền thông cụ thể và trực tiếp tới các hộ gia đình, cơ quan, trường học và truyền thông gián tiếp qua các tin bài đăng trên truyền hình, website, fanpage, báo in, báo điện tử, đồng bộ với chương trình kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn của UBND TP. Huế. Hy vọng trong thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành điểm sáng về giảm thiểu chất thải nhựa trên phạm vi cả nước.
Lam Vy