Urenco - Pro Việt Nam - Chuyên trang QLMT

Chương trình đổi rác lấy quà đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2022 | 3:47:08 PM

QLMT - Từ thay đổi nhận thức trong phân loại rác đến thay đổi hành vi là một sự chuyển dịch mang tính khoảng cách. Nhưng với nhiều cách thức tuyên truyền, vận động, người dân Thủ đô đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.

Chương trình đổi rác lấy quà đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn
Người dân đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. 

Ý thức con người là yếu tố quyết định

Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải phát sinh ngày càng nhiều, phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý bằng phương pháp đốt. Chính vì vậy, phân loại và tái chế rác là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. 

Nói về thực trạng phân loại rác tại các hộ gia đình hiện nay, có rất nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mức, họ quan niệm, cái gì không dùng được thì sẽ vứt đi và việc phân loại rác đó là công việc của đơn vị thu gom rác trên địa bàn. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. 

Trong quá trình phân loại rác, ý thức của con người là yếu tố quyết định, thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác, bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. 

Kể từ ngày 1/1/2022, Khoản 1, Điều 79 của luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo hai căn cứ. Thứ nhất, phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Thứ hai, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nêu rõ: "chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.”

Như vậy, quy định tại luật Bảo vệ môi trường 2020 thể hiện khuyến khích các gia đình, cá nhân phân loại rác thải, những loại có thể tái chế để sử dụng thì không phải trả phí, nhưng phải phân loại đúng, còn nếu phân loại sai thì vẫn phải trả phí theo khối lượng.

Đổi rác lấy quà đang dần hình thành thói quen tốt 

Trước đó, Dự án "Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội” từ tháng 4/2021 được triển khai dưới sự phối hợp của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cùng Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Dự án được triển khai nhằm khuyến khích mọi người cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững, đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông, từ đó thiết kế, tập huấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn phương pháp phân loại rác tại nguồn, thay đổi thói quen, hành vi cho cộng đồng trong việc phân loại, xử lý chất thải tái chế. Cùng với đó sẽ nghiên cứu, đề xuất với các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi đối với chất thải tái chế. 

Qua 6 tháng triển khai dự án, tổng lượng rác tái chế thu gom tại 5 quận nội thanh: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm đạt 1.260.931,3 tấn với 3 loại rác tái chế là nhựa, giấy và kim loại. Tỷ lệ rác tái chế được thu gom phân loại trung bình hàng tháng sau khi dự án triển khai là 203 tấn/tháng tăng 217% so với trung bình các tháng trước khi triển khai Dự án và đạt 48,6 % so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Để đạt được những kết quả trong 6 tháng triển khai dự án, đó là sự phối hợp giữa các bên để tạo hiệu quả và thay đổi nhận thức của người dân Thủ đô.

Chương trình đổi rác lấy quà đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn - Ảnh 2
Hoạt động đổi rác lấy quà thu hút sự quan tâm hưởng ứng của người dân

Ngày 6 tháng 11 năm 2021, có mặt tại điểm đổi rác tái chế số 27 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm từ rất sớm. Bà Hoàng Thị Linh (phường Lý Thái Tổ) xách tới điểm đổi rác một túi đồ lớn bao gồm vỏ lon, chai lọ nhựa và giấy bìa cứng, chia sẻ với PV Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà Linh cho biết:

"Tôi biết chương trình phân loại rác tại nguồn này từ tổ dân phố, cũng đã từng nghe qua về chương trình phân loại rác và thấy đó là những hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa và bảo vệ môi trường. Ở gia đình tôi, tôi cũng phân loại rác có thể tái chế như đồ nhựa, giấy, vỏ lon bia thành một bao tải riêng, trước đây khi chưa có chương trình thu gom rác đổi quà này, tôi thường đem bán đi, nhưng giờ tôi đến đây để đổi lấy quà. Bản thân tôi luôn có ý thức về việc phân loại rác, tôi cũng thường nhắc nhở mọi người trong gia đình về thói quen này”.

Trước đó, chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng đã được Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với một số trường học trên địa bàn Thành phố, đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện chương trình "Quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông" đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 

Được biết, Hoàn Kiếm là quận đầu tiên của Hà Nội thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn. Chương trình này được triển khai tại 21 trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận với mục đích làm thay đổi từ nhận thức thành hành động, đưa ra sáng kiến cụ thể nhằm giáo dục học sinh biết cách phân loại rác.

Đơn cử như, trường Tiểu học Trưng Vương đã tổ chức ngày hội tái chế vì một hành tinh xanh. Đây là một hoạt động thiết thực cho học sinh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, từ đó tích cực hành động để hạn chế sử dụng túi nilon và  chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

Chương trình đổi rác lấy quà đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn - Ảnh 3
Trường Tiểu học Trưng Vương( Hoàn Kiếm) đã tổ chức ngày hội tái chế vì một hành tinh xanh. Đây là một hoạt động thiết thực cho học sinh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh đối với việc phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường.

Hoạt động tuyên truyền cũng rất đa dạng thông qua các bảng điện tử, áp phích, băng-rôn, bảng tin, cổng thông tin điện tử.  Bên cạnh đó, việc tuyên truyền còn được lồng ghép thông qua các hoạt động giảng dạy các tiết học như Địa lí, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động ngoài giờ lên lớp, Tự nhiên và Khoa học.

Nhà trường cũng tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt Đội, sinh hoạt sao… có lồng ghép các nội dung tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy vào các nội dung truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường. 

Đặc biệt, trong ngày hội được tổ chức tại sân trường, học sinh mỗi khối lớp đều có gian hàng triển lãm sáng kiến, sản phẩm tái chế. Các sản phẩm trưng bày là những món đồ chơi ngộ nghĩnh: các con thú, chiếc xe…, vật trang trí như: bình hoa, chậu cảnh,… hay đồ dùng học tập như: bảng số đếm, lắp ghép hình…

Là học sinh trực tiếp được tham gia phân loại rác thải tại nguồn, em Nguyễn Tuệ An, học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương chia sẻ: "Con được các cô hướng dẫn về những loại rác thải có thể tái chế được, con cùng các bạn đã làm một số sản phẩm tái chế từ những đồ đã bỏ đi, nhiều bạn còn làm được những món đồ chơi ngộ nghĩnh”. 

Từ kết quả hoạt động đổi rác tái chế lấy quà tại 21 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, có thể thấy, giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh là cách để tác động ngay từ gốc một cách để taọ lập cho những người chủ tương lai của đất nước ý thức bảo vệ môi trường từ những việc rất nhỏ. 

Câu chuyện phân loại rác đó có thể được lan tỏa rộng hơn khi các em chia sẻ với cha mẹ và những người xung quanh. Nếu được gia đình hưởng ứng, sẽ dần hình thành thói quen tốt trong ứng xử với môi trường sống của các em sau này.

Hiện nay, việc xử lý rác thải là một vấn đề khách quan và cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nếu xử lý tốt sẽ làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người.

Vì vậy ngay từ bây giờ mỗi người hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác, từ việc tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế. Đồng thời các đơn vị vệ sinh môi trường cần có hình thức thu gom đồng bộ các loại rác nói trên để vận chuyển đến các nhà máy tái chế làm phân vi sinh hoặc mang đi chôn lấp. Đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn.

Lam Vy

Tags đổi rác lấy quà thói quen phân loại rác phân loại rác tại nguồn

Các tin khác

Từ năm 2019 đến nay, phong trào "Chống rác thải nhựa" tại Nam Định đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Rất nhiều địa phương trên cả nước "kêu khó" sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục