Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) xử lý phần lớn rác ở Hà Nội
Nơi vướng thủ tục, nơi vận hành hiệu quả
Lẽ ra ở thời điểm này, nhà máy xử lý rác của Công ty Môi trường T&T nằm trên địa bàn xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã đi vào hoạt động, với công suất xử lý gần 600 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Thế nhưng, dự án đã bị chậm tiến độ hơn 3 năm, khu đất dành để xây dựng nhà máy vẫn đang được… quây tôn.
Sự việc càng bất ngờ hơn khi ngày 7-7 vừa qua, tỉnh Hưng Yên mới tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư (thực hiện theo Luật Quy hoạch 2017, có hiệu lực từ 2019), trong khi quy hoạch xử lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2013 nên đã "lạc hậu”. Chính vì thế, khi bắt tay vào triển khai dự án, địa phương chưa xác định được nhà máy xử lý rác này sẽ sử dụng công nghệ gì!
Còn tại tỉnh Lào Cai, bãi rác Khánh Yên Thượng (bãi rác tập trung duy nhất ở huyện Văn Bàn) đã quá tải từ lâu và đang ngày càng gây ô nhiễm, nhưng hơn 2 năm qua, tỉnh đã nhiều lần kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư, nhưng đến nay chưa nhà đầu tư nào hưởng ứng, dù quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Thực tế ghi nhận, không phải địa phương nào cũng gặp khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Điển hình như tại Cần Thơ, Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ có diện tích 5,3ha (đặt tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) được đầu tư và tiếp nhận, xử lý rác từ tháng 10-2018. Trung bình mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận khoảng 515 tấn rác, quá trình đốt rác đã tạo ra gần 179 triệu kWh điện, hòa vào lưới điện quốc gia.
Hay Nhà máy Điện rác Phú Sơn được xây dựng từ cuối năm 2021 trên diện tích khoảng 11,2ha tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) với tổng vốn đầu tư hơn 1.694 tỷ đồng. Đến tháng 1-2024, nhà máy này bắt đầu hoạt động thử nghiệm và xử lý khoảng hơn 500 tấn rác/ngày (chiếm gần 90% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế) bằng công nghệ đốt phát điện.
Lựa chọn giải pháp phù hợp
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), nhận định, đến nay Việt Nam mới thực hiện việc phân loại rác là quá muộn so với thế giới. Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp có thể tham gia trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, quan tâm đến quy hoạch địa điểm đặt nhà máy và quy mô dự án để đảm bảo hiệu quả và sự đồng thuận của địa phương.
Người dân xung quanh Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn chịu nhiều ô nhiễm
Trong khi đó, quan tâm đến việc lựa chọn công nghệ xử lý, GS-TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do các đơn vị trong nước và ngoài nước được áp dụng tại Việt Nam, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập vì điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta có nhiều khác biệt so với các nước trên thế giới. Thậm chí, từng địa phương cụ thể cũng có khác biệt, không thể "mặc đồng phục”.
"Chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế chất thải rắn thành phân hữu cơ vi sinh, hay công nghệ đốt để giảm thiểu chất thải rắn phải chôn lấp, kéo dài tuổi thọ của bãi chôn. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với từng vùng khác nhau, như vùng đô thị, đô thị xen lẫn nông thôn, đồng bằng, trung du, miền núi… Để nâng cao hiệu quả xử lý, cần quan tâm đến mô hình khu liên hợp cấp huyện, liên xã, liên vùng; có phối hợp các công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại”, GS-TS Đặng Kim Chi chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), khẳng định, không có công nghệ duy nhất nào là tối ưu. Lựa chọn công nghệ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.
Mặt khác, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính. Muốn vậy, ông Đinh Nam Vinh nêu rõ, trước hết bổ sung các quy định liên quan đến chi phí xử lý, việc xử lý các hành vi chây ỳ trong thanh toán chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư, xã hội hóa vào lĩnh vực này.
Đối với hạ tầng của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước, cần có quy định bắt buộc đối với bể chứa rác (như phải có dung tích đủ lớn để chứa rác tối thiểu 8-10 ngày, đủ kín để không thoát khí ra ngoài - khuyến khích áp suất âm; có hệ thống đảo trộn, cẩu rác và thu hồi nước rỉ rác cũng như hệ thống khử mùi; nước thải sau khi được xử lý được tuần hoàn tái sử dụng 100%). Cùng với đó, nhanh chóng bổ sung, chỉnh sửa quy chuẩn Việt Nam cho lò đốt chất thải rắn thay thế các quy chuẩn trước đây để phù hợp với thực tế. Đặc biệt, để khuyến khích phát triển công nghiệp điện rác, cần bổ sung, chỉnh sửa Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5-5-2014 của Thủ tướng về giá mua điện cho các dự án điện rác.
Về mặt quản lý nhà nước, các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ khoa học - công nghệ có quy mô lớn.
-------------------------
Đừng để "đá ném ao bèo”
Phân loại rác tại nguồn không phải điều gì mới mẻ. Vậy mà những "chiến dịch” rầm rộ ở nhiều địa phương từ cách đây 16 năm đã dần dần nguội lạnh lúc nào không rõ. Như tại Đồng Nai, TP Biên Hòa vốn là địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn từ năm 2008. Thế nhưng, đến nay Biên Hòa là một trong những đơn vị có tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đạt mức thấp nhất trong 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đồng Nai.
Không khó để chỉ ra nguyên nhân. Đó là nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại. Câu hỏi đặt ra là, thu gom, phân loại xong rồi thì sao? Bởi lẽ, nếu khâu xử lý sau đó không tốt, như đã từng xảy ra, thì bao nhiêu công sức phân loại chẳng khác nào "ném đá ao bèo”.
Mặc dù đã có 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, trong đó có quy hoạch hạ tầng các khu xử lý chất thải rắn, cũng như các điểm trung chuyển, tập kết rác, song hầu hết đều đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng các dự án này. Với tinh thần "bàn làm, không bàn lùi”, các chuyên gia kiến nghị, khâu đầu tiên là chọn cho được công nghệ xử lý phù hợp trên cơ sở phân tích tình hình thực tế.
Vấn đề thứ hai là chuẩn bị quỹ đất để xây dựng khu xử lý rác. Nhà đầu tư cần phải được bàn giao đất sạch một cách nhanh chóng, tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án có hiệu quả, bao gồm cả việc nhà nước chia sẻ rủi ro khi có những biến động đầu ra - đầu vào nằm ngoài dự liệu, để chỉ tập trung vào xây dựng, vận hành.
Một yếu tố quan trọng khác để thu hút được nhà đầu tư có chất lượng là việc đấu thầu phải được tiến hành công khai, minh bạch; khuyến khích được mọi doanh nghiệp có trình độ, kiến thức về xử lý rác, có bản quyền sở hữu công nghệ, đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao.
AN NHIÊN
Theo Nhóm PV/sggp.org.vn