10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW đạt nhiều kết quả tích cực

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/8/2023 | 2:59:50 PM

QLMT - Ngày 14/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, đại diện các Sở TN&MT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chuyên viên các chi cục, phòng chuyên môn lĩnh vực quản lý tài nguyên.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản trong quản lý tài nguyên địa chất và quản lý tài nguyên biển và hải đảo, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tra đánh giá tài nguyên đất góp phần quản lý tài nguyên đất đai, công tác quản lý tài nguyên nước, chủ động thích ứng với BĐKH... 

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) Trần Phương cho biết, trong 10 năm qua, ngành TN&MT đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên đề ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:

- Hệ thống chính sách, pháp luật chung và về tài nguyên ngày càng được hoàn thiện. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2023, việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách theo chủ trương của Nghị quyết đã được ngành TN&MT quan tâm, triển khai thực hiện.

Đến năm 2023, lĩnh vực quản lý tài nguyên có 2 dự án xây dựng, sửa đổi luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) 2013, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo 2015. Có 3 dự án Luật đang được sửa đổi, gồm: Luật Đất đai 2013, Luật Tài nguyên nước 2010, Luật Khoáng sản 2010...

Chính phủ đã ban hành 29 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 40 Quyết định, các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương theo thẩm quyền đã ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị, Thông tư để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW.

Công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia được đẩy mạnh.

Kết quả thực hiện trong thời gian qua đối với điều tra, đánh giá tài nguyên đất, khoáng sản trên đất liền, tài nguyên nước mặt và tài nguyên biển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng hoàn thiện.

Chiến lược bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được ban hành và triển khai thực hiện đối với khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo, đã thiết lập các cơ chế quản lý, giám sát minh bạch, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

Tại hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên và đề ra những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW trong giai đoạn sắp tới.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu: Nghị quyết số 24-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu cụ thể và lâu dài đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là lúc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn với đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và phải tính xa hơn những tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường tự nhiên, làm sao để có lộ trình phát triển bền vững, thực hiện được cam kết của Việt Nam là đến năm 2050, phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0. 

Nghị quyết Số: 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" do Ban chấp hành Trung ương ban hành, tại Hội nghị Lần thứ 7 BCH TW khóa XI.

Mục tiêu tổng quát:

Đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.


TÙNG LÂM

Tags Nghị quyết số 24/NQ-TW Bộ TN&MT Hội thảo chuyên đề tổng kết

Các tin khác

Hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mê Kông, cơ cấu mùa vụ, trữ nước, chuyển nước từ nơi khác về, thay đổi quy trình hoạt động của thủy điện,...là ý kiến của các nhà khoa học đưa ra nhằm giải quyết căn cơ, bền vững tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô đã trở thành đặc tính của vùng, năm nào cũng xảy ra. Để gỡ khó cho người dân vùng hạn mặn, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thực hiện một số biện pháp như cơ cấu lại giống cây trồng, thay đổi thời gian sản xuất, ngăn mặn, trữ ngọt,… Tuy chỉ là giải pháp tình thế song bước đầu có tín hiệu tích cực.

Được xác định là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của quốc gia, ĐBSCL được ưu tiên đầu tư, xây dựng các hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, những tác động từ thượng nguồn, từ biển và sự phát triển nội tại ở ĐBSCL là những thách thức lớn, đòi hỏi một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh tác hại của các loại hình thiên tai.

Được bồi tích từ vịnh biển nông và phù sa sông, Đồng bằng sông Cửu Long giống như vựa lúa và cây trái của cả nước, song những năm gần đây, vùng đất này luôn chịu cảnh hạn mặn khốc liệt về mùa khô trong khi mùa lũ cũng vơi dần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục