Chính sách pháp luật về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/7/2023 | 3:46:17 PM

QLMT - Để quản lý rác thải nhựa và vi nhựa có hiệu quả, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan. Trong đó có các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia,... đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường.


Rác thải nhựa là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: ITN

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản định hướng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa, góp phần kiểm soát nguồn gốc phát sinh vi nhựa. Điển hình là các văn bản dưới đây:

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đưa ra các nhiệm vụ cụ thể về bảo vệ môi trường trong đó có nhiệm vụ về quản lý rác thải: tập trung xử lý rác thải rắn, quản lý rác thải nguy hại; thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ rác thải; phát triển ngành kinh tế môi trường trên cơ sở ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế rác thải; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít rác thải và các-bon thấp; thực hiện bù giá 10 năm đầu đối với các dự án tái chế rác thải, sản xuất điện từ rác thải.

Trên cơ sở các nhiệm vụ này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 "90% rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; phấn đấu tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% tổng lượng rác thải được thu gom; 100% rác thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý” và "tiếp tục tăng cường quản lý rác thải rắn; hoàn thiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối trong thu hồi, tái chế các sản phẩm thải bỏ; phát triển thị trường trao đổi sản phẩm tái chế”.

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030,Việt Nam ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Do vậy, chủ trương lớn cần thực hiện là "quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển”.

Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/03/2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt ra yêu cầu: đến 2025, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương; đến năm 2030,thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.

Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải rác thải nhựa ra môi trường. Liên quan đến vi nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường "nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni-lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón...”; Bộ Công Thương "tổ chức rà soát, công bố các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu có chứa vi nhựa, nano nhựa để người tiêu dùng biết”; Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh như: vật liệu nhựa phân hủy ở trong nước biển, vật liệu nhựa sinh học (bio plastic), ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy; thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra nhóm nội dung, biện pháp hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ rác thải rắn được thu gom, tái chế, tái sử dụng; giảm dần sản xuất và sử dụng túi, bao gói khó phân hủy, cụ thể: nghiên cứu, sản xuất các loại túi, bao gói dễ phân hủy trong tự nhiên thay thế túi, bao gói khó phân hủy; tăng cường trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu về thu hồi, xử lý các loại bao bì, máy móc, thiết bị, dụng cụ sau sử dụng, đặc biệt là máy móc, thiết bị điện tử; tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi, bao gói khó phân hủy.

Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 với ba quan điểm: hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp rác thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; thay thế từng bước việc sử dụng túi ni-lông khó phân hủy bằng các loại sản phẩm thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế là trọng tâm kết hợp với giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giải pháp khoa học công nghệ. Đề án đặt ra mục tiêu giảm dần tiêu thụ túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt và tăng cường thu gom, tái chế rác thải túi ni lông khó phân hủy. Theo đó, Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp về: cơ chế, chính sách; tài chính, nhân lực; về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đưa ra các mục tiêu về quản lý rác thải, trong đó có mục tiêu "đến năm 2030, ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, chú ý tới các rác thải rắn, nước thải và ô nhiễm chất hữu cơ” liên quan trực tiếp đến kiểm soát các loại ô nhiễm biển.

Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp rác thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; 100% bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ và được xử lý theo quy định của pháp luật. Chiến lược đề ra nhiệm vụ hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Theo đó, giải pháp thực hiện được đặt ra là ban hành lộ trình phù hợp giảm thiểu và tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. 

Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2030, phấn đấu 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển; giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.


Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập về rác thải nhựa. Ảnh: ITN

Pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa và vi nhựa

Luật Bảo vệ môi trường 2014 đưa ra quy định chung về quản lý rác thải tại Chương IX (yêu cầu về quản lý rác thải; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải; thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ) mà chưa đề cập cụ thể đến rác thải nhựa, vi nhựa. Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng chỉ ra rằng cần khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến để tái chế và tái sử dụng rác thải nhằm tạo ra nguyên liệu thô và sản xuất năng lượng và việc giảm thiểu lượng rác thải rắn cần chôn lấp sẽ là một phần quan trọng trong chính sách quản lý rác thải của Việt Nam.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định điều khoản riêng về rác thải nhựa và vi nhựa, cụ thể là Điều 73: Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ 2 trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm: trách nhiệm tái chế (Điều 54) và trách nhiệm xử lý rác thải (Điều 55). Theo đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc.

Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 quy định túi ni lông là đối tượng thuộc diện chịu thuế với mức thuế là 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về biểu thuế môi trường quy định áp dụng mức thuế môi trường đối với bao bì ni lông 50.000 VND/kg và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý rác thải và phế liệu. Đối với nội dung liên quan đến nhập khẩu nguồn nhựa, Nghị định đã quy định cụ thể việc bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhập khẩu phế liệu tại Chương VIII (Điều 55 - 63) và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ.

Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTNMT ngày 25/10/2019 về quản lý rác thải và phế liệu yêu cầu: "Đối với nhựa phế liệu, chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm), trừ các trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cơ sở sản xuất đang hoạt động được phép nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất ra hạt nhựa tái chế thương phẩm đến hết ngày 31/12/2024.

Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường nêu rõ, theo đó "túi ni-lông thân thiện với môi trường phải đáp ứng các tiêu chí sau: có độ dày một lớp màng lớn hơn 30 µm, kích thước nhỏ nhất lớn hơn 20 cm và tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi ni lông phải có kế hoạch thu hồi, tái chế; có khả năng phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá hai (02) năm”.

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định danh mục các sản phẩm thải bỏ và thời điểm phải thực hiện thu hồi, xử lý trong đó một số thiết bị điện, điện tử; săm, lốp các loại phải thực hiện thu hồi từ ngày 01/7/2016. Quyết định cũng quy định phương thức thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; trách nhiệm, quyền lợi trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất, người tiêu dùng, cơ sở phân phối, đơn vị vận chuyển, xử lý rác thải và tổ chức, cá nhân thu gom; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Thông tư 34/2017/TT-BTNMT ngày 4/10/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định về hình thức, số lượng và vị trí điểm thu hồi; yêu cầu kỹ thuật điểm thu hồi; quy trình quản lý điểm thu hồi; việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ; và quản lý dữ liệu về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

NGUYỄN LÊ

Tags chính sách pháp luật quản lý rác thải nhựa rác thải nhựa vi nhựa túi ni-lông

Các tin khác

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra cực đoan hơn trên phạm vi toàn cầu. Những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng… xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước sau khi Luật BVMT đầu tiên ra đời năm 1993. Ngày 7/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

Nhận định về tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng có nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn. Ngoài việc thiếu nước thì chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm.

Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó, nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Do đó, nước ta chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngay trong đợt hạn mặn hiện nay, nhiều địa phương đối mặt nguy cơ thiếu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự