Sự hiện diện của vi nhựa trong thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/7/2023 | 8:06:07 AM

QLMT - Vi nhựa đã trở nên phổ biến trong thực phẩm và đồ uống của con người. Mặc dù nồng độ thấp nhưng nếu phơi nhiễm và hấp thụ vi nhựa lâu dài sẽ gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe con người.

Mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu về ô nhiễm thủy sản do vi nhựa đang dẫn đến nhiều nghiên cứu đánh giá vi nhựa trong những năm qua, nhưng các nhà nghiên cứu gần đây tập trung vào các tác động của vi nhựa đối với an ninh lương thực và sức khỏe con người.

Minh họa về vi nhựa trong chuỗi thức ăn
Minh họa về vi nhựa trong chuỗi thức ăn. Ảnh: ITN

Nhiều loài cá và sinh vật hai mảnh vỏ đã được báo cáo là bị nhiễm vi nhựa, trong đó 80% cá nục được lấy mẫu tại bờ biển Rapa Nui, trong con quay cận nhiệt đới Nam Thái Bình Dương, đã ăn vi nhựa vì nhầm tưởng là con mồi tự nhiên của chúng. Nghiên cứu này cho thấy cách thức quan trọng để vi nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn. 

Đánh giá 26 loài cá trong các môi trường sống khác nhau ngoài khơi bờ Biển Đỏ của Ả Rập Xê Út cho thấy vi nhựa được tìm thấy trong 14,6% số cá được lấy mẫu và hàm lượng vi nhựa cao nhất được quan sát thấy ở loài cá Parascolopsis eriomma, một loài ăn động vật không xương sống tồn tại và phát triển ở nền đáy của các hệ sinh thái thủy vực. 

Vi nhựa cũng được tìm thấy trong các sinh vật hai mảnh vỏ, trong đó hến và hàu, chứa tương ứng trung bình 0,36 ± 0,07 hạt/g và 0,47 ± 0,16 hạt/g. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng châu Âu có thể ăn lên tới 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Một nghiên cứu về hàu nuôi trên bờ biển Trung Quốc cho thấy 84% số hàu được lấy mẫu bị nhiễm vi nhựa, với hàm lượng trung bình 0,62 hạt/g.

Kiểm tra 9 loài hai mảnh vỏ tại một chợ thủy sản ở Trung Quốc thì cả 9 loài đều tìm thấy vi nhựa từ 2,1 đến 10,5 hạt/g, trong đó ngao là loài có hàm lượng vi nhựa cao nhất.Kiểm tra vẹmchế biến sẵn ở các chợ tại6 địa điểm khác nhau trên khắp Vương quốc Anh cũng cho thấy hàm lượng vi nhựa cao hơn (1,4 hạt/g) so với những con được cung cấp sống (0,9 hạt/g). Điều này cho thấy quá trình sơ chế vẹmtrước khi nấu có thể đưa đến khả năng tiếp xúc cao hơn với vi nhựa từ chính quá trình này do không đủ tiêu chuẩn làm sạch mà không nhất thiết là từ môi trường. 

Khảo sát sự hiện diện của vi nhựa trong 4 loài hai mảnh vỏ từ 3 thành phố lớn của Hàn Quốc cho thấy hàm lượng trung bình của vi nhựa trong 4 loài này là 0,15 ± 0,20 hạt/g và ước tính dân số Hàn Quốc hấp thụ 212 hạt/người/năm từ việc tiêu thụ sinh vật hai mảnh vỏ. Tất cả bằng chứng này cho thấy việc ăn phải vi nhựa trong các sinh vật sống dưới nước đang tạo điều kiện để vi nhựa và chất gây ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể người.



Mặc dù sự hiện diện của vi nhựa trong môi trường biển đã được nghiên cứu rộng rãi, các hệ sinh thái trên cạn vẫn chưa được chú ý. Có rất ít thông tin về sự phân hủy vi nhựa của các sinh vật trong tầng sinh quyển của thực vật. Tuy nhiên, vi nhựa trong đất có thể làm thay đổi đáng kể sinh khối thực vật, thành phần nguyên tố mô, đặc điểm rễ và các hoạt động của vi sinh vật. Sự hiện diện của vi nhựa đã được chứng minh trong các loài ốc sên trên cạn Helix aperta và Helix pomatia, do đó góp phần đánh giá rủi ro khi con người phơi nhiễm với vi nhựa từ việc tiêu thụ thực phẩm.

Các sản phẩm khác được dùng làm thực phẩm hoặc dùng để nấu nướng đã được chứng minh bị nhiễm vi nhựa. Vi nhựa đã được tìm thấy trong nước khoáng đóng chai, bia, nước máy, muối ăn, thực phẩm đóng hộp, mật ong. Vi nhựa đã trở nên phổ biến trong thực phẩm và đồ uống của con người. Mặc dù nồng độ thấp nhưng nếu phơi nhiễm và hấp thụ vi nhựa lâu dài sẽ gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe con người

NGUYỄN LÊ HẰNG
Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ

Tags vi nhựa thực phẩm phơi nhiễm hấp thụ vi nhựa

Các tin khác

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra cực đoan hơn trên phạm vi toàn cầu. Những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng… xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước sau khi Luật BVMT đầu tiên ra đời năm 1993. Ngày 7/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

Nhận định về tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng có nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn. Ngoài việc thiếu nước thì chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm.

Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó, nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Do đó, nước ta chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngay trong đợt hạn mặn hiện nay, nhiều địa phương đối mặt nguy cơ thiếu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục