10 loại rác thải nhựa nhiều nhất rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/6/2023 | 10:58:45 AM

QLMT - Ngân hàng thế giới (Worldbank) đã thống kê 10 loại nhựa phổ biến nhất (chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa) rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam.

Biểu đồ tỷ lệ 10 loại rác thải nhựa nhiều nhất rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam
Biểu đồ tỷ lệ 10 loại rác thải nhựa nhiều nhất rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam

Trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là mảnh nhựa mềm, thứ hai là ngư cụ và sau đó lần lượt là túi nhựa, hộp đựng thực phẩm bằng xốp, mảnh nhựa cứng, ống hút, bao bì khác, các loại nhựa khác và bao bì bim bim/bánh kẹo.

Con số trên được đưa ra trong Báo cáo Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Worldbank. Báo cáo xác định các nguồn và con đường gây ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Dựa trên các cuộc điều tra thực địa, báo cáo phát hiện rằng: Chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng; 10 loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy; hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.

Ngư cụ chiếm tỉ lệ lớn rác thải nhựa bị rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam
Ngư cụ chiếm tỉ lệ lớn rác thải nhựa bị rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam

Theo Worldbank, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.

Trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nylon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025
Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025

Để góp phần hỗ trợ các chương trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa của Chính phủ, Worldbank đề xuất một Lộ trình chính sách nhằm giảm thiểu sử dụng các loại nhựa dùng một lần phổ biến nhất. Ba loại nhựa hàng đầu là: túi nhựa không phân hủy, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa polystyrene giãn nở (EPS) và ống hút nhựa. Các loại nhựa khác bao gồm nhựa được sử dụng trong các cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú.

Một loạt các chính sách để loại bỏ nhựa dùng một lần bao gồm hạn chế lưu hành, thu phí khi sử dụng và lệnh cấm đối với một số loại nhất định. Để tránh các tác động kinh tế đột ngột, lộ trình khuyến nghị cắt giảm nhựa dùng một lần theo giai đoạn, bắt đầu với các hạn chế và phí, sau đó dần dần tiến tới lệnh cấm. Worldbank cũng đề xuất cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, đây là chìa khóa để thực hiện các can thiệp chính sách một cách hiệu quả.

HẢI SƠN

Tags rác thải nhựa đường thủy ngư cụ nhựa một lần túi nhựa Worldbank

Các tin khác

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra cực đoan hơn trên phạm vi toàn cầu. Những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng… xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước sau khi Luật BVMT đầu tiên ra đời năm 1993. Ngày 7/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

Nhận định về tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng có nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn. Ngoài việc thiếu nước thì chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm.

Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó, nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Do đó, nước ta chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngay trong đợt hạn mặn hiện nay, nhiều địa phương đối mặt nguy cơ thiếu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự