Còn nhiều tiềm năng trong khai thác đất hiếm tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/4/2023 | 4:20:46 PM

QLMT - Theo đánh giá của trang Vietnam-Briefing, đứng thứ ba trên thế giới về tiềm năng khai thác đất hiếm, Việt Nam có thể trở thành một bên tham gia chính trong chuỗi cung ứng đất hiếm. Và các nhà đầu tư nước ngoài có thể có nhiều cơ hội tham gia.

Đất hiếm là nguyên tố cần thiết để sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm thuốc điều trị ung thư, điện thoại thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo. Hiện tại, Trung Quốc chiếm 63% sản lượng khai thác đất hiếm trên thế giới, 85% chế biến đất hiếm và 92% sản lượng nam châm đất hiếm.

Khi thế giới hướng tới một tương lai năng lượng xanh thì nhu cầu đa dạng nguồn cung đất hiếm là cần thiết. Với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, môi trường đầu tư thuận lợi và nguồn cung đất hiếm lớn thứ ba thế giới, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.



Ảnh minh họa: Vietnam-Briefing.

Việt Nam giàu tiềm năng đất hiếm

Đất hiếm là nhóm nguyên tố hóa học kim loại khó tìm thấy với số lượng lớn, chúng có các tính chất điện hóa và từ tính đặc biệt. Trái ngược với tên gọi, đất hiếm không phải lúc nào cũng đặc biệt hiếm và có rất nhiều loại đất hiếm có thể được tìm thấy trên khắp lớp vỏ trái đất. Tuy nhiên, chúng thường phân tách ra nhiều địa điểm với trữ lượng nhỏ nên việc khai thác chúng trở nên khó khăn và tốn kém.

Dự trữ đất hiếm toàn cầu đã được Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính là 120 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc 44 triệu tấn, Brazil 22 triệu tấn, Việt Nam 20 triệu tấn, tiếp theo là Nga 18 triệu tấn.

Tại Việt Nam, đất hiếm chủ yếu phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc. Các nguồn dự trữ này được định giá khoảng 3 nghìn tỷ USD và mang lại cơ hội đáng kể cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Khai thác đất hiếm ở Việt Nam hiện tập trung ở Tây Bắc và Tây Nguyên – nơi có các nhóm đất hiếm nhẹ. Nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm đã được xác định ở Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái). Ngoài ra còn có một số mỏ đất hiếm nhỏ rải rác dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu.

Hiện khai thác và chế biến đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng của loại khoáng sản này. Một số doanh nghiệp Việt thiếu công nghệ chế biến phân tách sâu và vấn đề công nghệ là một thách thức đáng kể trong việc gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự cam kết đầu tư nghiên cứu và có chiến lược toàn diện hơn đối với công nghệ chế biến quặng đất hiếm.

Về mặt cơ chế, chính sách, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cho thấy rõ sự quan tâm của chính phủ và tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động khai thác đất hiếm. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều đầu tư cho nghiên cứu và hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc khai thác các khoáng sản này.

Hiện các doanh nghiệp chỉ có thể hoàn thành 40% quá trình xử lý cần thiết để làm cho đất hiếm có thể sử dụng được. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn xuất khẩu tối thiểu của Bộ Công Thương là 95%.

Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (CAVICO Việt Nam) và Viện Công nghệ Bức xạ Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm scandium. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đã phối hợp với Nhật Bản trong việc phát hiện các mỏ đất hiếm tại tỉnh Lào Cai, cùng với các mỏ tại Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum và Lâm Đồng.

Tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu và đối tác Nhật Bản được khai thác quặng đất hiếm tại một điểm ở tỉnh Lai Châu. Mỏ này được cho là có trữ lượng lớn nhất cả nước và có khả năng khai thác công nghiệp quy mô lớn.

Ngoài Lai Châu, Bộ cũng đã cấp phép khai thác đất hiếm cho tỉnh Yên Bái. Mặc dù mỏ này có trữ lượng nhỏ hơn nhưng vẫn còn hoang sơ và có thể mang lại lợi nhuận cao nếu được khai thác hợp lý và hiệu quả.

Năm 2022, Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc. Hai công ty sẽ hợp tác với nhau để phát triển hoạt động khai thác tại tỉnh Yên Bái. Ước tính khu vực này chứa trữ lượng 30.000 tấn đất hiếm.

Cơ hội đầu tư vào ngành khoáng sản đất hiếm Việt Nam

Năm 2022, Việt Nam là nước tiếp nhận 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành khai khoáng, với tổng vốn đăng ký là 4,9 tỷ USD.

Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam rất đa dạng, trong đó khoáng sản đất hiếm ngày càng trở thành trọng tâm quan trọng của ngành. Ngoài ra, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp cận được với các thị trường trọng điểm trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường nhập khẩu khoáng sản đất hiếm lớn.

Chính phủ cũng đã xác định ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó có lĩnh vực khoáng sản đất hiếm, là ưu tiên phát triển và đã đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Những biện pháp này bao gồm các ưu đãi về thuế, thủ tục đơn giản hóa để xin giấy phép khai thác và thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho khai thác và chế biến.

Các nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam có thể hưởng lợi từ vị trí chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á, các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động lành nghề với chi phí cạnh tranh.

Theo An Bình/toquoc.vn


Tags Tiềm năng Khai thác đất hiếm Việt Nam

Các tin khác

Các mục tiêu phát triển thường xung đột với nỗ lực giảm thiểu rủi ro lũ lụt. Rủi ro lũ lụt không thể bị loại bỏ hoàn toàn, vì vậy, chính quyền và người dân phải xác định mức độ rủi ro lũ lụt có thể chấp nhận được. Một môi trường thể chế thuận lợi là điều cần thiết để phát triển một vùng đất có rủi ro lũ lụt.

Sự xuất hiện của công nghệ vệ tinh là cuộc cách mạng hóa việc giám sát môi trường, mang đến một cái nhìn toàn cảnh chưa từng có về các hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta.

Trận động đất cường độ mạnh 7,2 độ richter gây sụp đổ nhiều tòa nhà nhưng thiệt hại về người được giảm tối thiểu.

Ngày nay, việc tuần hoàn và tái sử dụng nước thải công nghiệp ở Việt Nam đã trở thành ưu tiên được quan tâm và triển khai rộng rãi, hướng đến mục tiêu vào năm 2035, ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự