Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/3/2024 | 10:20:03 AM

30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.


Chị Hà Thị Nga chuẩn bị đi làm.

30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Nga chưa từng nghĩ lớn lên mình sẽ làm nghề lao công. Khi chị học lớp 9, do gia cảnh quá khó khăn, nên dù lực học khá tốt, chị đành chấp nhận nghỉ học để đi làm nghề quét rác. Thời điểm đó, mẹ chị thường xuyên ốm đau; dưới chị còn 2 em đang tuổi ăn học. Năm 2001, chị lập gia đình.

Đến năm 2003, chị sinh con. Những tưởng cuộc sống, dù nhọc nhằn sẽ bình lặng trôi qua, nhưng bất hạnh ập đến. Năm 2007, chồng chị mất do bạo bệnh. Từ đó đến nay, với đồng lương từ nghề lao công, chị tần tảo nuôi con ăn học. 30 năm qua, chị gắn bó với công việc vất vả này.

"Đây là công việc đảm bảo được cuộc sống của gia đình, thoải mái với lương tâm của mình và không ảnh hưởng đến người khác. Bất cứ công việc nào mà có những điều trên tôi cũng sẽ gắn bó. Tôi làm việc là để lo cho cuộc sống của chính mình, gia đình mình, nhưng để có được điều đó, tôi ngày càng phải làm tốt công việc của mình” - chị Nga chia sẻ.

Hiện nay, nữ lao công này có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị cùng đồng nghiệp còn nhận làm công việc dọn dẹp tại một công sở khác, được thêm 3 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, cuộc sống của chị khá ổn định. Con gái của chị hiện đang vừa học, vừa làm trên Hà Nội, có thể tự lo cho bản thân.

Chị Nga cho rằng, để làm tốt công việc "cả ngày bám lấy đường phố” này, điều quan trọng là phải nhiệt tình, chịu khó.

Ngoài ra, cần giao tiếp tốt với người dân để họ hiểu, chia sẻ với công việc của lao công, từ đó để rác, phân loại rác gọn gàng.

"Nếu được như vậy thì lao công sẽ đỡ vất vả hơn nhiều” - chị Nga chia sẻ.

Trong suốt 30 năm làm việc, nữ lao công này đã gặp phải không ít nguy hiểm. Năm 2008, chị bị gãy ngón chân do đá rơi vào chân từ máy chở rác. "Rất may là tôi không bị rơi vào đầu. Khi sự việc xảy ra, tôi cứ nghĩ không sao nên nén đau tiếp tục làm. Hôm sau, ngón chân bị sưng, tôi không đi được giày nên phải buộc túi nilon vào ngón chân. Tôi xin nghỉ làm, đi chụp chiếu mới xác định là bị gãy ngón chân, nên phải bó bột và nghỉ làm” - chị Nga kể lại.

Ngoài ra, chị luôn phải đối mặt với nguy cơ bị xe đâm, hay các mối nguy hiểm từ rác thải. Có lần chị bị kim tiêm đâm vào tay (dù đã dùng bao tay) khi nhặt rác. "Dọn vệ sinh là công việc khá nguy hiểm, nên tôi luôn tâm niệm phải cẩn thận, không được lơ là, chủ quan một giây phút nào” - nữ lao công chia sẻ.

Chị Nga nói rằng, đối với những công nhân vệ sinh môi trường, những ngày vất vả nhất lại là những ngày lễ, Tết - dịp mà nhiều người dân được nghỉ ngơi. Những ngày này, lượng rác tăng cao hơn, lao công phải làm việc "căng” hơn ngày thường. "Dịp 8.3 cũng là một dịp mà nhân viên vệ sinh rất vất vả bởi lượng hoa sau khi sử dụng rất nhiều, công nhân phải thu dọn nhiều hơn” - nữ lao công chia sẻ. Điều an ủi là những ngày này, chị được nhận những bó hoa tươi thắm của em trai hay của con gái gửi đến với những lời chúc ấm áp nhất.

Mới đây, chị Nga vinh dự được trao giải Vàng tại Lễ trao giải "Cây chổi Vàng” - tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường lần thứ 4, năm 2023. Đây là động lực để chị yên tâm gắn bó với nghề hơn, nỗ lực hơn để luôn hoàn thành tốt công việc của mình.

Theo laodong.vn

Tags nữ lao công Bắc Giang công nhân vệ sinh môi trường gắn bó

Các tin khác

Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.

Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.

Ở Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, chị Lê Thị Mai trú tại phố 2, P.Đông Cương, TP Thanh Hóa được biết đến là nữ công nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó con trai thứ 2 bị bệnh bại não.

Mỗi ngày, bất kể thời gian nào, kể cả đêm hay lúc rạng sáng, những người công nhân quét rác vẫn miệt mài làm việc trên khắp mọi ngả đường, góc phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục