Không kể đêm ngày, mưa nắng hay vất vả, nguy hiểm luôn rình rập, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn chăm chỉ quét dọn, làm sạch cho thành phố. Sự hy sinh thầm lặng của họ đã và đang góp phần xây dựng TP Thanh Hóa ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Chị Nguyễn Thị Oanh trong ca làm việc.
Gặp chị Nguyễn Thị Oanh (Tổ trưởng tổ sản xuất số 4, Xí nghiệp Môi trường 3, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa), chúng tôi phần nào hiểu hơn về nghề "đầy nắng mưa” của những người lao công. Trong dòng người hối hả ngược xuôi, chị Oanh vẫn lặng lẽ, kiên trì với công việc của mình đó là quét rác, thu gom rác thải trên tuyến đường Lê Hữu Lập và Đại lộ Lê Lợi.
Chị Oanh cho biết, bản thân đã gắn bó với nghề 18 năm qua. Bởi cái duyên mà chị phải theo cái nghề mà khi mọi người say trong giấc ngủ, còn mình phải khoác chiếc áo lao công để làm việc bất kể ngày hè hay đêm đông. Cũng như bao đồng nghiệp khác, công việc của chị Oanh thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ đêm. Thời gian làm việc được chia luân phiên theo ca, kíp. Khi mới vào nghề, giờ giấc làm việc trái với lịch sinh học khiến cuộc sống của chị Oanh gặp không ít đảo lộn. Nhưng với sự kiên trì, chịu khó, chị đã dần quen với việc thức khuya, dậy sớm. Dù đêm đông giá lạnh hay mưa bão, cứ đến ca làm chị luôn có mặt tại các tuyến phố để quét dọn và thu gom rác thải.
Chị Oanh chia sẻ: "Tôi được phân công phụ trách các tuyến đường Cao Thắng, Lê Hoàn, Lê Hữu Lập, Đinh Lễ và Đại lộ Lê Lợi. Đây là những tuyến đường chính, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh, lại gần chợ, gần trường học nên lượng rác rất lớn. Do đó, tôi cùng đồng nghiệp phải cố gắng đi làm đầy đủ không để rác thải ứ đọng lại nhiều. Khi trời vào mùa thu, lá rụng nhiều, kèm thêm những cơn mưa khiến việc quét rác trở nên khó khăn hơn. Nếu mưa to, các cống thoát nước ứ đọng rác, không thoát nước được, tôi còn phải dùng chổi và tay lấy rác ra để xử lý điểm tắc. Song, những khó khăn đó không khiến tôi ngại việc mà càng nỗ lực hơn để đường phố được sạch, đẹp".
Công việc vất vả là vậy, nhưng với chị Oanh đó là niềm vui, niềm tự hào trong cuộc sống. Chị Oanh chia sẻ: "6 năm trước tôi mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ làm để điều trị bệnh. Khi sức khỏe ổn định, tôi tiếp tục đi làm, bởi với tôi đây là một công việc phù hợp với bản thân và tôi thấy mình được cống hiến, được góp sức làm cho phố phường thêm xanh, sạch, đẹp”.
Vừa nói, chị Oanh vừa cầm chổi tiếp tục với công việc. Cứ như vậy, cả đoạn đường dài hàng trăm mét cùng vỉa hè rộng được chị Oanh quét sạch sẽ. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của người phụ nữ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo vẫn miệt mài lao động âm thầm vì một thành phố xanh - sạch - đẹp, tôi lại càng khâm phục nghị lực và tình yêu nghề của chị.
Chưa có nhiều năm gắn bó với nghề như chị Nguyễn Thị Oanh, song chị Đặng Thị Thu, công nhân tổ sản xuất số 8, Xí nghiệp Môi trường 3, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa lại có sự chịu khó, nhiệt huyết với công việc. Chị Thu cho biết: "Quét dọn và thu gom rác thải là một nghề nặng nhọc, vất vả đối với phụ nữ. Làm công nhân vệ sinh môi trường thường không có ngày nghỉ. Và bản thân tôi nếu có công việc gia đình phải nghỉ thì cũng không yên tâm. Bởi nghỉ một ngày là rác thải sẽ ứ đọng lại, đường phố sẽ không được sạch đẹp, lại gây ô nhiễm môi trường".
Chị Đặng Thị Thu gắn bó với nghề "làm sạch cho đời” được 4 năm. Hiện tại chị được phân công quét và thu gom rác thải tại mặt bằng 530, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Chị Thu từng đi làm công nhân may tại một công ty ở địa phương nên khi mới bắt đầu làm công nhân vệ sinh môi trường chị cũng "choáng” bởi công việc vất vả, nguy hiểm. Dù mưa to hay nắng gắt những người công nhân môi trường vẫn phải đi làm. Hơn thế, làm đêm rất nhiều phức tạp, từ việc gặp những "quái xế” đến những người say rượu phóng xe ầm ầm. Thậm chí là gặp những người trêu ghẹo, bắt nạt chị em trong đêm. Thế nhưng, được sự ủng hộ, động viên từ đồng nghiệp và chồng, dần chị Thu đã quen và yêu công việc. Chị Thu chia sẻ: "Có những lần sức khỏe yếu, đồng nghiệp hỗ trợ làm thay, rồi chồng đến đẩy xe rác cùng khiến tôi rất vui và ấm áp. Điều này đã khiến tôi mạnh mẽ hơn để chiến thắng lại những khó khăn của nghề. Lâu dần, tôi cảm thấy gắn bó và yêu nghề bởi công việc tuy thầm lặng nhưng lại mang đến vẻ đẹp cho thành phố".
Chị Tống Thị Thọ, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết: "Công ty có 300 công nhân đảm nhận công việc quét, thu gom rác thải trên địa bàn thành phố. Cũng như chị Oanh và Thu, hầu hết những người công nhân ở đây đều nỗ lực, hết lòng vì công việc, tất cả đều hướng tới mục tiêu vì thành phố xanh - sạch - đẹp".
Nhìn những con đường sạch đẹp, thành phố ngày càng văn minh hiện đại, chúng ta càng thêm trân trọng công sức của những công nhân môi trường ngày đêm âm thầm cống hiến. Để đồng hành cùng họ trong việc xây dựng thành phố, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi./.
Theo Thuỳ Linh/vhds.baothanhhoa.vn