Nghề vất vả, lương thấp nhưng tôi yêu nghề
50 tuổi, gắn bó với công việc nhân viên vệ sinh môi trường đã 17 năm, chị Nguyễn Khương Tuy (Hà Nội) vẫn ngày ngày tận tụy với cái nghề mà nhiều người nói là nguy hiểm và đầy nguy cơ bệnh tật.
Bắt đầu làm việc từ 4 rưỡi sáng, giống như những người đồng nghiệp của mình tại Hợp tác xã Môi trường Thành Công, hành trang đi làm vào những ngày nắng nóng gay gắt của chị Tuy là mũ, nón, khẩu trang và chai nước mát.
Chị Tuy chia sẻ: "Tôi được phân công nhiệm vụ quét dọn, thu gom rác dọc tuyến đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường này đông đúc, tập trung nhiều trường học nên lượng rác rất lớn và khi thu gom cũng rất nguy hiểm vì là tuyến đường nhiều xe cộ.
Làm đến 12 giờ trưa, tôi cùng các đồng nghiệp sẽ ăn cơm. Nói vậy nhưng cũng chỉ là ăn tạm gói xôi, cái bánh mì thôi cũng không phải cơm canh tươm tất gì. Mùa hè thế này, đi thu gom rác ngoài trời nóng cả ngày thì có chuẩn bị cơm, cơm cũng thiu mất. Tôi cứ tiện gì ăn nấy, cho no cái bụng là chính rồi chợp mắt mà lấy sức làm việc tiếp buổi chiều".
Dù nắng hay mưa, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn làm việc. Ảnh: Ngọc Chi.
Vất vả nắng mưa, cật lực thu gom rác, thế nhưng mỗi tháng, chị Tuy nhận được chưa đến 5 triệu đồng. Với mức thu nhập ít ỏi, lại có con đang tuổi ăn học, chị Tuy phải kiếm công việc làm thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống.
Khi được hỏi công việc vất vả vậy, sao chị không tìm công việc khác, chị Tuy đang đẩy xe thu gom rác cũng dừng lại và nói: "Đi làm mệt chứ, nghề nào mà chả có những vất vả riêng. Nhưng nếu cứ đem chuyện ngày mưa cũng như ngày nắng phải ra đường để kiếm sống, rồi thì mùi rác hôi thối thì chắc chẳng ai dám làm cái nghề này.
Hồi xưa mới bắt đầu đi làm, nhiều người cứ chạy xe máy qua, rồi quẳng túi rác vào xe rác tôi đang đẩy, nhiều lúc cũng tủi lắm, nhưng giờ quen rồi và nghĩ chắc họ đang vội việc nên mới làm như vậy. Ngày đầu đi làm thì ngại lắm, nhưng càng làm, tôi càng quý trọng nghề của mình” - chị Tuy vừa nói, vừa cười.
Kiếm 5 triệu mỗi tháng ở tuổi đã già
Từng đi làm công nhân sản xuất bánh kẹo tại một công ty ở Bắc Ninh với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, bà Nguyễn Thị Thu (Sóc Sơn, Hà Nội) nay lại trở thành một người công nhân vệ sinh môi trường. "Ban đầu chỉ vì quá tuổi làm việc tại công ty cũ nên mới làm công việc này. Thế nhưng, sau một thời gian gắn bó, hiểu về nỗi vất vả của nghề, về cái gọi là "làm sạch cho đời" nên tôi lại thấy yêu nghề của mình. Ngày ngày lăn lộn ngoài đường, thứ mà người ta vứt đi thì mình gom vào, nhưng lạ thay là tôi lại thấy yêu công việc của mình".
Với người khỏe mạnh, trung tuổi, công việc thu gom rác cũng đã mệt nhọc thì bà Thu lại vất vả hơn nhiều lần. Trời ngày hè nóng bức, có những ngày lên tới 39, 40 độ C, lại đã có tuổi nên mỗi khi đi thu gom rác, bà Thu lại vất vả hơn, mất nhiều thời gian để hoàn thành công việc hơn. "Có những ngày rác thải nhiều, tôi phải chia rác ra nhiều chuyến xe để vận chuyển đến nơi gom rác. Tôi chỉ gom rác đến hơn nửa già xe chứa rác rồi đẩy đi, không thì không kéo nổi. Chia ra làm mấy chuyến như thế, đi đi lại lại tôi cũng mệt, nhưng ngồi nghỉ, uống chút nước là lại khỏe”, bà Thu chia sẻ.
Bà Thu thêm yêu công việc vệ sinh môi trường vì làm sạch cho đời. Ảnh: Ngọc Chi.
Với lịch làm việc ca sáng 4 tiếng đến 10 giờ trưa, bà Thu nói mình còn đỡ vất vả hơn nhiều người. Có những người đồng nghiệp khác phải đi làm từ rất sớm rồi đến 12 giờ trưa mới được nghỉ. Mặc dù thu nhập một tháng với công việc này của bà Thu chỉ có 5 triệu đồng/tháng, không có khoản lương thưởng hay hỗ trợ, tuy nhiên mỗi ngày đi làm, bà vẫn rất vui vẻ và làm việc với tâm thế hết sức mình.
"Đây không chỉ là công việc cho mình, giúp mình có thêm thu nhập mà đó còn là công việc giúp người, mọi người ai cũng sẽ được hít thở bầu không khí trong lành" - bà Thu cười.
Theo Ngọc Chi/Báo Lao Động