Không phải Nhật Bản hay Singapore, đây mới là nơi sạch nhất châu Á

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/1/2023 | 5:16:53 PM

QLMT - Ngôi làng Mawlynnong tại Ấn Độ ít người biết tới nhưng lại được coi là nơi sạch nhất châu Á. Đây là một ngôi làng nhỏ ở Meghalaya - một bang nằm ở vùng đông bắc Ấn Độ.

Năm 2003, Mawlynnong (hay còn gọi là Khu vườn của Chúa) được tạp chí Discover India trao tặng danh hiệu "Ngôi làng sạch nhất châu Á". Năm 2017, Tạp chí "Discover India" cũng trao tặng danh hiệu "Ngôi làng sạch nhất châu Á" cho vùng thôn quê tuyệt đẹp này.

Đó là một điều kỳ lạ khi danh hiệu này không thuộc về những quốc gia nổi tiếng sạch sẽ như Nhật Bản, Singapore… mà lại thuộc về đất nước nổi tiếng với tình trạng ô nhiễm, thiếu vệ sinh như Ấn Độ.



Du khách bị thu hút bởi vẻ yên bình của vùng đất này. Ảnh: Tanveer Dalal

Xây dựng môi trường sống sạch sẽ dựa vào ý thức của người dân

Là ngôi làng sạch nhất châu Á, Mawlynnong chủ yếu là nơi sinh sống của bộ tộc Khasi, sống trong xã hội mẫu hệ truyền thống. Ở đây, con cái trong gia đình lấy họ mẹ, của cải được truyền từ người mẹ sang người con gái út trong gia đình.

Ngôi làng Mawlynnong có 95 hộ gia đình và tỷ lệ biết chữ là hơn 90%. Điều này là kết quả của một quá trình nỗ lực, đưa giáo dục đi khắp mọi bản làng và trở thành tiêu chuẩn mà mọi khu vực khác noi theo.

Nông nghiệp là nghề chính trong khu vực, nhưng kể từ khi Discover India (tạp chí du lịch) trao tặng danh hiệu "Ngôi làng sạch nhất Ấn Độ” vào năm 2005, du lịch địa phương đã phát triển mạnh mẽ. Theo trưởng thôn, thu nhập đã tăng 60% nhờ sự phát triển của du lịch.

Ngôi làng này tự hào về tỷ lệ vứt thải rác tùy tiện gần như bằng không. Những chiếc giỏ tre hình nón đẹp mắt dùng để đựng rác nằm trải dọc theo những con đường rải sỏi, thường được buộc chặt vào cây cối và hàng rào của những ngôi nhà.

Theo quy định của cộng đồng trong làng, mỗi người dân đều tham gia dọn dẹp làng ngay từ khi còn nhỏ. Việc sử dụng polythene và hút thuốc bị cấm. Đồng thời, tất cả các hộ gia đình đều thực hiện các sáng kiến khai thác nước và bảo vệ nguồn nước. Các quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt và nếu ai phạm lỗi sẽ phải chịu hình phạt tương ứng.

Đó chưa phải là tất cả, ở Mawlynnong mọi người không chỉ dọn dẹp nhà cửa của riêng mình, họ còn ra đường quét dọn sạch sẽ. Trồng cây cũng là một phần trong lối sống của họ.

Trẻ em chịu trách nhiệm làm đẹp mỹ quan khu vực. Tất cả các trẻ nhỏ trong làng đều chung tay chia sẻ nhiệm vụ này.

Mỗi sáng sớm trước giờ đi học, những đứa trẻ sẽ ra ngoài quét lá khô và rác trên đường. Các bé cũng chịu trách nhiệm đổ các thùng rác nằm rải rác khắp làng và giúp phân loại rác hữu cơ, giúp cho quá trình phân hủy, tái chế rác dễ dàng hơn. Các loại rác dễ cháy từ đó được đưa ra xa khỏi làng để xử lý.

Trẻ em và người lớn cùng nhau dọn dẹp hàng ngày. Vào thứ bảy, đôi khi, trưởng làng cũng sẽ yêu cầu họ dọn thêm như một phần của "công việc xã hội" phải hoàn thành vì "lợi ích cho làng".

Có thể nói, sự sạch sẽ đã ăn sâu vào tâm trí người dân nơi đây từ rất sớm, trở thành chìa khóa cốt lõi để mở ra một cuộc sống tốt đẹp.

Những thới quen này hình thành từ đâu ?

Theo những người bản địa và hướng dẫn viên, thói quen này có thể bắt đầu hình thành và lan rộng từ sau đợt bùng phát dịch tả hơn 130 năm trước. Kể từ đó, các chuyên gia đã khuyến khích lối sống sạch sẽ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Bà nội trợ Sara Kharrymba chia sẻ: "Chúng tôi đã được cha mẹ, thế hệ đi trước truyền cho thói quen dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ. Sau đó, chúng tôi lại truyền những kỹ năng này sang các con, rồi các con sẽ lại truyền cho các cháu.”

Tuy nhiên, bây giờ với lượng khách du lịch ngày càng tăng, ngôi làng đang cố gắng hết sức để giữ lấy sự yên bình của nó.

Bên cạnh lợi ích đến từ thu nhập cao hơn, phát triển du lịch cũng mang theo một số áp lực cho cuộc sống vốn có tại đây. Một số quy định được đưa ra cho du khách để đảm bảo giữ gìn truyền thống và duy trì sự sạch sẽ của ngôi làng.

Nhiều du khách rất vui mừng khi được trải nghiệm nhịp sống bình yên, không khí trong lành lúc đặt chân tới đây. "Cây cầu tự nhiên" hình thành từ bộ rễ cây khổng lồ của làng cũng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách khi thăm thú nơi này.

Dù không phải điểm du lịch nổi tiếng, Mawlynnong được đánh giá là một trong những nơi an toàn nhất Ấn Độ. Người dân hiếu khách và sự sạch sẽ của họ là điểm cộng lớn.

Hải Đăng (T/h)




Tags Nhật Bản Singapore Nơi sạch nhất châu Á Ngôi làm Mawlynnong

Các tin khác

Sáng 19/9, Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thăm và tặng 200 suất quà cho công nhân lao động của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên các nữ công nhân môi trường đô thị đang vất vả thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các phường trên địa bàn Hà Nội.

“Mấy ngày này đi làm cũng sốt ruột ở nhà lắm. Thỉnh thoảng lại gọi điện về cho 2 con ở nhà dặn nếu nước vào nhà thì trèo lên tầng 2. Cũng chỉ có thể làm được như thế vì ở đây việc dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 vẫn bộn bề...” - chị Ninh Thị Loan - tổ trưởng tổ thu gom rác thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ.

Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục