Buồn vui 'bình bịch' một thời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2022 | 8:42:05 AM

QLMT - Còn nhớ, quãng đầu thập kỷ 70, cả thị trấn phố huyện quê tôi tiếng là giàu có nhưng mới chỉ ba người có xe máy: một ông thợ may có chiếc "Cá xanh", một anh chủ hiệu chữa đồng hồ kiêm thợ kim hoàn có chiếc "Cá xám"...

Buồn vui 'bình bịch' một thời - 1

Còn nhớ, quãng đầu thập kỷ 70, cả thị trấn phố huyện quê tôi tiếng là giàu có nhưng mới chỉ ba người có xe máy: một ông thợ may có chiếc "Cá xanh", một anh chủ hiệu chữa đồng hồ kiêm thợ kim hoàn có chiếc "Cá xám" (đều mang nhãn hiệu Mobylette của Pháp). Nhưng đặc biệt nhất là một ông thợ chữa xe đạp có chiếc Môtôbêcan (Motobécane) rất cổ, đã được ông thay động cơ và hàn gắn chế tác thêm, khiến dáng nó nom vừa giống cái cần cối giã gạo, lại vừa như con cào cào...

Tất cả những chiếc xe ấy đều có một đặc điểm chung là đã cũ, vỏ ngoài sơn đi sơn lại nhiều lần, tiếng máy nổ phành phạch ầm ĩ và ống xả thì phun khói mù mịt... Vậy mà cứ mỗi lần những ông chủ của nó có việc cưỡi xe vào làng, là cả lũ trẻ con vẫn chạy theo hò reo, người lớn thì xúm lại tha hồ mà trầm trồ thán phục. Họ gọi chung đó là những chiếc... "bình bịch". 

Suốt nhiều năm, đất nước đang có chiến tranh, mức sống dân miền Bắc ta còn nghèo, ai cũng phải thắt lưng buộc bụng cho tiền tuyến đánh giặc, nhà nào khá giả lắm để dành dụm mãi mới mua được chiếc xe đạp. Mà thậm chí xe đạp cũng còn phải... đeo biển số kiểm soát và người sử dụng luôn phải mang theo "Giấy chứng nhận" do Công an đăng ký.

 Hẳn các bạn đọc trẻ bây giờ không ai tưởng tượng nổi rằng: Đã có một thời chiếc xe đạp ở miền Bắc nước ta được bán phân phối theo tiêu chuẩn ngặt nghèo. Còn phụ tùng thay thế của chúng thì khan hiếm tới mức... chỉ những ngày lễ - tết các tập thể, cơ quan mới tổ chức bốc thăm. Ai may mắn bốc trúng chiếc săm hay chiếc lốp... là đủ cho vợ chồng sung sướng âm ỉ cả tháng trời! Chính vì thế, có người mua được xe đạp mà chẳng dám đem ra dùng, chỉ lau chùi cho bóng và treo lên để... ngắm cho đã! Hồi đó, ai có những chiếc "bình bịch" kiểu Pơgiô (Peugeot) 102,103... với "máy cụp, máy xoè", thì quả là thứ phương tiện giao thông cực kỳ sang trọng và xa xỉ...

Cuối năm ấy, một người bà con họ xa của tôi ở thị xã may mắn trúng xổ số độc đắc. Trong giải thưởng, có một chiếc xe máy Habích mới đập hộp. Lập tức, tiếng đồn lan ra cả tỉnh đều biết. Ông trưởng họ sốt sắng liền cử người xuống thị xã, mang theo cơm nắm cơm đùm, tìm bằng được người trúng thưởng chỉ với một yêu cầu: Phải đi cả chiếc xe mới về làng vào... giữa "thanh thiên bạch nhật", để mọi người cùng chiêm ngưỡng và bà con anh em tổ chức ăn mừng. Đó là niềm tự hào và hồng phúc của cả dòng họ, lớn lắm chứ chẳng phải chuyện chơi!

Hồi đó, người được sở hữu những chiếc xe sang trọng và môđen như thế còn hiếm lắm. Người ta thường ví ngồi xe mà như cưỡi trên một tòa nhà lầu di động, bởi giá trị của nó tới gần chục "cây" vàng, có thể đổi ngang được ngôi nhà lớn nhất nhì dưới thị xã. Mua bán gì người ta cũng quy ra vàng. Mà vàng hồi đó còn rất hiếm, chỉ dân buôn bán mới có, lại thường phải giấu giếm tích cóp mua chui bán lủi từng nửa "chỉ" một.

Buồn vui 'bình bịch' một thời - 2

Sau ngày giải phóng miền Nam và nhất là từ khi nước ta bước vào cơ chế kinh tế thị trường, lần lượt các loại xe máy dân chủ (các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa) chế tạo từ Xítta, Habích, đến Java, Babétta, rồi Simsơn Môkích... – những "Ông hoàng" của một thời thị trường xe máy miền Bắc – đã dần dần nhường chỗ cho các loại xe máy Nhật vừa bền, vừa tiết kiệm xăng, lại dễ khởi động và điều khiển.

Ngay đầu những năm 90 của thập kỷ này, trên những trang quảng cáo rao vặt của báo Hà Nội mới và Sài Gòn giải phóng ta còn thấy nhan nhản những địa chỉ rao bán các loại xe bãi thải: Honda Cúp các đời 78-79-80 đầu vênh, máy cánh, đèn tròn. Ai giàu có mới dám tìm mua loại xe Cúp 81, người bán thường mở ngoặc để nhấn mạnh thêm giá trị của nó: "màu su hào", "màu ốc bươu", hoặc "có đồng hồ báo xăng"... Xe 81 mà "đời chót chét", "giảm sóc hai tầng" và "kim vàng giọt lệ" được coi như của quý và là mơ ước của dân Hà Thành một thời.

Ấy vậy mà mới chỉ mấy năm sau, thị trường xe máy cả nước đã thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ thì ngay "người nhà quê" cũng có nhiều người tậu được xe máy, coi nó như công cụ và phương tiện để kiếm sống. Hết "Kích" đến "Cúp", hết "Min khù khờ" lại đến "Người tình trăm năm". Những chàng trai, cô gái thị trấn phố huyện quê tôi thì phóng xe Win100, xe Honda 82 ào ào. Còn ở thị xã nghèo nàn bụi đỏ năm nào, những chiếc xe máy "Giấc mơ" một thời đã được thay thế bằng SH và các kiểu xe tay ga đời mới nhất... cũng không phải là của hiếm nữa!

Ở các nước công nghiệp phát triển, người ta chỉ sử dụng xe gắn máy trong thể thao, dã ngoại, chuyển phát thư báo... thậm chí một số nước còn có quy định cụ thể cấm các loại xe môtô không được đi vào trong trung tâm thành phố. Nhưng ở Việt Nam thì xe máy lại được coi là loại phương tiện giao thông phổ biến và thuận tiện nhất. Người dân có thể sử dụng xe máy đi bất đâu và vào bất cứ chỗ nào mà họ muốn... Xin bạn hãy thử quan sát tại một ngã tư đường phố ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm tan tầm làm việc mà xem: Thật đúng là trên có trời và dưới đất là... môtô xe máy.

Nhà văn Đặng Vương Hưng

Các tin khác

Sáng 19/9, Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thăm và tặng 200 suất quà cho công nhân lao động của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên các nữ công nhân môi trường đô thị đang vất vả thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các phường trên địa bàn Hà Nội.

“Mấy ngày này đi làm cũng sốt ruột ở nhà lắm. Thỉnh thoảng lại gọi điện về cho 2 con ở nhà dặn nếu nước vào nhà thì trèo lên tầng 2. Cũng chỉ có thể làm được như thế vì ở đây việc dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 vẫn bộn bề...” - chị Ninh Thị Loan - tổ trưởng tổ thu gom rác thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ.

Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục