Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/8/2022 | 3:39:54 PM

QLMT - Nghề vệ sinh cống rãnh luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm độc hại, thế nhưng hàng chục công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam hằng ngày vẫn miệt mài với công việc, góp phần giữ gìn thành phố luôn sạch đẹp.

Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 1
Dưới tiết trời nắng nóng, hàng chục công nhân vẫn miệt mài với công việc nạo vét đất bùn, rác thải tại các cống ngầm trên đường Bạch Đằng. Ảnh: N.Q

Nghề nguy hiểm

Vào khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày, không kể trời nắng rát da hay mưa lạnh tê tái, hàng chục công nhân của đội vệ sinh cống rãnh đã có tại các tuyến đường để bắt đầu việc nạo vét đất bùn, rác thải dưới các hố ga, cống ngầm như thường nhật.

Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 2
Dù nắng nóng, hay mưa tầm tã, đội vệ sinh cống rãnh vẫn miệt mài công việc mỗi ngày.
 
Đội thông cống có cả nam lẫn nữ, khoảng 40 - 60 tuổi, họ đến từ các vùng nông thôn của huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ. Họ làm việc từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Mỗi ngày, họ bắt đầu công việc từ 7h sáng đến 17h chiều mới trở về nhà, những ngày mưa gió công việc có thể kéo dài hơn nữa.

Dụng cụ lao động chỉ gồm xẻng, xà beng tự sắm và hơn 10 chiếc xe đẩy chuyên dụng của công ty, ngoài ra không có dụng cụ bảo hộ, hay mặt nạ chống khí độc. Để hạn chế mùi độc hại, công nhân dùng khăn lau mặt quấn quanh đầu, mặt và dùng khẩu trang vải bịt mũi.

Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 3
Dưới cống hố ga chứa nhiều chất thải độc hại. Ảnh: N.Q

Lau vội những giọt mồ hôi đang chảy dài trên mặt, sau khi chui từ lòng cống lên mặt đường, ông Nguyễn Đức Khánh (58 tuổi, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) cho biết, công việc của cả đội diễn ra quanh năm, mùa nắng cả đội đi nạo vét đất bùn, dọn kênh mương trần, mùa mưa thì đi cào rác thải, lục bình mắc kẹt ở các cống ngầm để dòng chảy được thông suốt.

Trước khi xúc đất, rác thải ở hố ga, 3 - 4 công nhân dùng xà beng cậy từng miệng nắp hố ga, họ đợi khoảng 15 phút để khí độc bay ra ngoài rồi mới dám tiếp tục công việc.

Nhiều hố ga cạn, ít đất bùn, rác thải thì công nhân đứng trên bờ dùng xẻng xúc đổ lên xe tập kết. Đối với các hố ga sâu hơn 3m, nhiều rác thải thì công nhân phải thay phiên nhau chui xuống cống múc từng gàu nước thải, cào rác thải chuyền nhau đưa lên bờ.

"Làm việc này không tránh khỏi việc mảnh vở thủy tinh cắt thủng ủng chảy máu chân, tay, thậm chí thấm vào da làm cơ thể ngứa ngáy, lở loét. Ám ảnh nhất là khi trời nắng nóng, dù có khẩu trang nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi" - ông Khánh chia sẻ.

Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 4
Công nhân đẩy xe đất bùn, rác thải về nơi tập kết. Ảnh: N.Q

Bà Nguyễn Thị Mến (60 tuổi, phường Hòa Hương) đang lom khom xúc từng xẻng đất lên xe tập kết, áo bà ướt đẫm mồ hôi, bà cho hay: "Do phải cúi gập người làm việc liên tục nên tối về lưng đau ê ẩm, chân tay mỏi nhừ, nhưng lâu ngày cũng thành quen với công việc".

Sau khi xử lý xong đất, đá và rác thải dưới các hố ga, cống ngầm, những công nhân cẩn thận lắp lại từng nắp hố ga để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Chưa hết, họ còn phải chuyển đất lên xe tải chở đi tiêu hủy hoặc đổ ở những nơi được quy định.

Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 5
Công nhân xúc đất bùn, rác thải lên xe tải mang đi đổ nơi quy định. Ảnh: N.Q

... gắn bó với nghề

Được biết, đội công nhân vệ sinh cống rãnh này có người được công ty đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, cũng có người không được đóng. Mỗi ngày công được trả 270 ngàn đối với nam, nữ thì nhận 220 ngàn đồng, ngoài ra không có chế độ gì thêm. Mặc dù công việc khá nhọc nhằn, đồng lương ít ỏi, nhưng họ vẫn luôn gắn bó với công việc.


Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 6
Giải khát. 

Gần 10 năm thâm niên trong nghề này, ông Trần Thanh Nghĩa (57 tuổi, khối phố Hòa Hương, Tam Kỳ) chia sẻ: "Là lao động chính trong gia đình tôi theo nghề để có thêm thu nhập. Công việc này rất nặng nhọc và nguy hiểm, song tôi và anh em đều gắn bó vì còn phải chăm lo kinh tế gia đình".

Nhọc nhằn nghề vệ sinh cống rãnh - Ảnh 7
Sau khi hoàn thành việc nạo vét, họ không quên đậy nắp hố ga để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Ảnh: N.Q

Cán bộ Công ty CP môi trường đô thị Quảng Nam cho hay, đội vệ sinh cống rãnh có khoảng 20 người cả nam lẫn nữ. Đa số công nhân đều lớn tuổi, họ làm việc cả năm, trong đó có một số người đủ điều kiện ký hợp đồng lao động được đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Lao động, cũng có người quá tuổi nên công ty không đóng.

"Đội vệ sinh cống rãnh làm việc rất nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, cũng nhờ họ mà nhiều tuyến đường trong khu phố, mương kênh luôn sạch sẽ, hạn chế được nước thải tràn lên đường gây ô nhiễm và ngập úng cục bộ..." - vị cán bộ này nói./.

Sơn Hà (T/h)

Tags vệ sinh cống rãnh công nhân nguy hiểm nặng nhọc

Các tin khác

Sáng 19/9, Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thăm và tặng 200 suất quà cho công nhân lao động của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên các nữ công nhân môi trường đô thị đang vất vả thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các phường trên địa bàn Hà Nội.

“Mấy ngày này đi làm cũng sốt ruột ở nhà lắm. Thỉnh thoảng lại gọi điện về cho 2 con ở nhà dặn nếu nước vào nhà thì trèo lên tầng 2. Cũng chỉ có thể làm được như thế vì ở đây việc dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 vẫn bộn bề...” - chị Ninh Thị Loan - tổ trưởng tổ thu gom rác thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ.

Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục