Hình ảnh các học sinh ăn xong que kem, uống xong ly nước tiện tay vứt bên đường hay người lớn hút xong điếu thuốc liền vứt tàn thuốc xuống đất đã không còn xa lạ. Thậm chí, không ít người khi đi đổ rác nhìn thấy chỗ nào có nhiều túi rác thì cũng vô tư để xuống mà không quan tâm đến thùng rác ngay cạnh đó.
Mặc dù chúng ta đã được dạy phải bỏ rác đúng nơi quy định từ rất sớm nhưng mà việc vững lý thuyết không đảm bảo sẽ chắc thực hành. Một số trẻ em muốn bỏ rác vào thùng nhưng ba mẹ lại thường xuyên bảo: "Cứ quăng xuống đất!”. Hoặc là một số bậc phụ huynh luôn nhắc nhở con phải bỏ rác vào thùng nhưng bản thân mình lại xả rác bừa bãi. Điều đó khiến thói quen tốt của trẻ dần bị phá hủy.
Tại Tp.HCM, nhiều biện pháp đã được áp dụng như hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phạt nguội... nhằm giảm ô nhiễm kênh rạch và hạn chế rác thải xả thẳng ra môi trường, nhưng vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề trên. Khi được hỏi tại sao lại không bỏ rác đúng nơi quy định, nhiều người hồn nhiên trả lời: "Do tiện tay nên vứt", "Không tìm thấy thùng rác", "Mình không xả thì người khác cũng xả" hay "Có công nhân môi trường gom rác mà lo gì"… Điều đó khiến ta phải suy ngẫm về ý thức của một bộ phận người dân hiện nay.
Những hình ảnh sau được ghi nhận gần đây tại đường CN1, quận Tân Phú, Tp.HCM cho thấy, mặc dù các thùng rác có sẵn, nhưng rác thải vẫn bị xả đầy đường. Dọc theo bờ kênh, cây cối mọc um tùm và rác thải không được dọn dẹp chăm sóc khiến khu vực giống như bị bỏ hoang.
Rác thải đổ đống, sau một thời gian sẽ bị đốt đi.
Ở nước ta nói chung và Tp.HCM nói riêng, việc xử lý rác thải sinh hoạt được tiến hành chủ yếu theo hai hình thức là chôn lấp hoặc đốt. Việc người dân không có thói quen phân loại rác khiến quá trình xử lý rác thải trở nên khó khăn. Đối với hình thức chôn lấp, các bãi rác hầu như ở tình trạng quá tải, gây ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, hôi thối… Còn với hình thức đốt rác lại chưa mang lại hiệu quả như mong muốn bởi độ ẩm của rác thải khá cao do không được phân loại kỹ và công nghệ lại không đủ đáp ứng với yêu cầu xử lý phức tạp. Điều đó khiến tình trạng ô nhiễm không được khắc phục, thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn!
Để giải quyết vấn đề trên một cách rốt ráo đòi hỏi sự chung tay từ 2 phía. Các cơ quan Nhà nước cần đưa ra cơ chế đồng bộ nhằm nâng cao hạ tầng xử lý rác. Chẳng hạn như nếu muốn người dân phân loại rác theo màu thùng rác cần phải hướng dẫn đầy đủ về cách phân loại, ý nghĩa của màu sắc các thùng rác và phải triển khai lâu dài, trên diện rộng.
Mặc dù có thùng rác nhưng rác thải vẫn vương vãi trên lề đường.
Mặt khác, nỗ lực phân loại rác của người dân sẽ trở nên vô nghĩa nếu nhân viên thu gom cứ cho hết rác vào thùng. Vì thế, việc hướng dẫn người dân là một chuyện nhưng cũng phải chú trọng đào tạo nhân viên thu gom nhằm đảm bảo đầu vào - đầu ra chất lượng. Về phần mình, người dân cần phải ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường, cần bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn và tăng cường tái chế.
Trên các mặt báo, những tin tức về việc xử lý rác của Singapore được chia sẻ rất nhiều nhưng đã có bao nhiêu nước áp dụng thành công. Sở dĩ "Đảo quốc sư tử" được đánh giá là một trong những quốc gia xanh, sạch nhất thế giới phần lớn là nhờ vào đồng thuận xã hội. Họ đã đầu tư công nghệ đốt rác phát điện, đẩy mạnh tái chế rác thải và không quên chú trọng vai trò của người dân.
Các vật dụng không còn dùng nữa nằm ngổn ngang bên vệ đường CN1, quận Tân Phú.
Mới đây, nhà máy điện rác Sóc Sơn - nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam, đã chính thức vận hành đốt rác phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nó góp phần quan trọng trong việc xử lý rác quá tải, hạn chế chôn lấp rác và nguy cơ ô nhiễm rác thải tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Dẫu biết rằng hiện nay ở nước ta việc xử lý rác còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ trên diện rộng nhưng nếu thật sự muốn giải quyết vấn đề thì cả chính quyền và người dân sẽ cùng nhau tìm cách, chứ không tìm cớ!
Mạc Tường Vi