Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) vào những ngày đầu hè đã thu hút được nhiều lượt du khách tham quan, tắm biển. Trên bãi cát trắng, bờ biển dài rộng càng nổi bật hơn những bộ đồ công nhân xanh đang cặm cụi làm sạch không gian biển.
Vất vả thứ nghề làm sạch môi trường biển
Công việc thu gom rác tại bãi biển phần lớn được làm vào sáng sớm và chiều muộn, nhưng với những thành phố biển Sầm Sơn vào vụ đông khách, lượng rác thải trên bãi biển vô cùng lớn nên bắt đầu một ngày mới cũng là lúc các công nhân vệ sinh môi trường liên tay với công việc.
Các công nhân môi trường được phân ca theo khu vực để làm sạch sạch bãi biển. Công cụ làm việc không có gì nhiều ngoài đôi ủng, đôi gang tay, những bì đựng rác và chiếc cào đất. Khác với làm vệ sinh đô thị, làm vệ sinh bãi biển không dùng được chổi mà thay vào đó là những chiếc cào, chiếc xẻng,...
Rác thải nhỏ cần đến sự chịu khó của công nhân môi trường
Và càng vất vả hơn khi rác thải sinh hoạt nhỏ như vỏ bánh kẹo, xiên que, lá bèo,... nên những công nhân môi trường phải dùng tay nhặt nhạnh, đi bộ cả vài cây số trên bờ cát để thu gom.
Một công nhân môi trường tại Sầm Sơn với gần 5 năm trong nghề chia sẻ, không biết từ bao giờ nghề vệ sinh môi trường đô thị được công nhân lao động gọi là nghề chất chứa những nỗi buồn. Nỗi buồn đến từ những hành động thiếu ý thức của cộng đồng, nỗi buồn đến từ sự vất vả ngày đêm của công việc.
Những chiếc xe rác được đặt xung quanh bãi biển
Công nhân vệ sinh môi trường là một nghề vô cùng vất vả nhưng lại rất thầm lặng. Dù thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải, bụi bặm, bất kể thời tiết nắng mưa, nhưng họ vẫn luôn có mặt để góp phần làm sạch môi trường.
Cũng đồng cảm chia sẻ, chị Nga (Bắc Sơn, Sầm Sơn) cho biết, là một nghề vất vả và độc hại, phải làm việc theo ca, mỗi ngày phân thành 4 ca, từ 3 giờ đến 22 giờ, nhưng thu nhập của công nhân vệ sinh môi trường cũng chỉ từ từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, không ít người đã không trụ được, phải từ bỏ công việc này.
Dù vất vả, nhưng những người công nhân vệ sinh môi trường biển luôn tự hào về nghề của mình, bởi họ đã và đang góp sức làm cho bãi biển thêm xanh, sạch, đẹp.
Công nhân vệ sinh đi nhặt từng đoạn rác nhỏ rải rác trên bờ biển
Mỗi năm Khu du lịch biển Sầm Sơn đón hàng triệu lượt khách. Tỷ lệ thuận với sự gia tăng về lượng khách đó là hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú. Hiện nay, TP Sầm Sơn có tới gần 500 khách sạn, hàng trăm nhà hàng ăn uống. Từ đó mà lượng nước thải, rác thải mỗi năm của thành phố cũng không hề nhỏ.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn, ở thời gian cao điểm đón khách dịp hè, mỗi ngày đơn vị thu gom từ 130 - 150 tấn rác thải. Chưa kể, những tháng mùa mưa, lượng rác thải phát sinh trôi dạt vào bờ biển có thể lên tới hàng nghìn tấn.
Khu du lịch biển Sầm Sơn nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 16 km. Sầm Sơn có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng với hệ thống bãi biển đẹp (A, B, C, D) kéo dài 4.5 km từ lâu đã là khu nghỉ mát nổi tiếng của cả nước./.
Theo Hà Anh/Nhà báo và Công luận