Thùng rác công nghệ được coi là giải pháp sáng tạo, góp phần giúp Hà Nội ngày càng xanh-sạch-đẹp.
Vấn đề xả rác vẫn nhức nhối
Lâu nay, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn là vấn đề nhức nhối. Nhiều người dân do thói quen cố hữu và nhận thức chưa đúng đắn vẫn "vô tư" vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong 1 que kem hay chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt vỏ xuống đất. Uống xong 1 chai nước suối hay lon nước ngọt, vứt chai, vứt lon ngay tại chỗ vừa ngồi. Với tâm lý "sạch nhà hơn bẩn ngõ”, một số người dân không muốn để rác trong nhà, thay vì đợi đến giờ thu gom rác thì họ vứt luôn ra ngõ, ra đường, hoặc trước cửa, để đến giờ các nhân viên vệ sinh môi trường phải tự đi thu gom. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các nhân viên môi trường và làm mất vệ sinh, mỹ quan đô thị.
Đi dọc phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), bắt gặp hình ảnh chị Nguyễn Thị Đông, nhân viên Công ty cổ phần môi trường Gia Lâm đang cặm cụi công việc thường ngày bên những chiếc xe chở rác, tôi hỏi thăm chị về công việc hằng ngày và tình trạng xả rác trên tuyến phố, chị phân trần: "Người dân vẫn chưa ý thức nên các chị vất vả lắm, quanh đây nhiều cửa hàng, các nhân viên trong đó xả rác thường xuyên. Có những khi chị vừa dọn xong, đứng cách nhau vài mét mà họ vẫn xả rác sau lưng mình. Chị chỉ mong mọi người nâng cao nhận thức, tự giác hơn để những người như chị đỡ vất vả”.
Trên phố Hàng Gai, vẫn có tình trạng rác vứt bừa bãi ra lề đường chờ nhân viên môi trường đến thu gom.
Chị Nguyễn Thị H., nhân viên môi trường phụ trách thu gom rác khu vực hồ Hoàn Kiếm cho biết: "Người dân khu vực này ý thức khá tốt, đối tượng xả rác bừa bãi nhiều nhất tại đây là các gánh hàng rong và người lao động. Họ xả giấy rác khắp vỉa hè, gây mất mỹ quan. Đây là khu trung tâm, bộ mặt của thủ đô, tập trung nhiều khách du lịch trong nước cũng như quốc tế nên bọn chị phải nhắc nhở và thu nhặt liên tục”.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã nhận thức rất tốt và giáo dục con cái nói không với hành vi xả rác bừa bãi tại nơi công cộng, đường phố. Tuy nhiên, nhiều khi họ lại không hề dễ dàng tìm thấy thùng rác bên đường. Tại các khu trung tâm như Hoàn Kiếm hay Hai Bà Trưng… lượng thùng rác được bố trí khá đầy đủ nhưng để kiếm được thùng rác ở nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, người dân phải lòng vòng vài phút lái xe.
Anh Nguyễn Xuân Bách (Giảng Võ) cho biết, nhà trường cùng gia đình anh tạo lập cho con cái thói quen bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung từ nhỏ nên con trai anh rất có ý thức vứt rác đúng nơi quy định. Những khi hai bố con rong ruổi trên phố mà có nhu cầu vứt rác, cậu con trai luôn yêu cầu anh chở đến thùng rác. Tuy nhiên ở nhiều tuyến phố không dễ kiếm thùng rác, có những khi hai bố con phải đi cả cây số mới thấy 1 chiếc thùng rác. Sự bất tiện này phần nào khiến nhiều người ứng xử dễ dãi hơn với mội trường.
Cùng người dân tạo lập thói quen, nâng cao ý thức dùng thùng rác xanh
Nhằm tạo cho người dân thói quen giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, cuối năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Công nghệ Xanh Goda (Công ty Goda) triển khai dự án lắp đặt hơn 11 nghìn thùng rác công nghệ có kết hợp công năng quảng cáo trên địa bàn thành phố.
Dù mới chỉ triển khai được 2 năm, dự án đã mang về những kết quả rất tích cực. Gần 2.000 thùng rác công nghệ được lắp đặt trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Xã Đàn, Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân); Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Lê Duẩn (Hoàn Kiếm)… đã từng bước góp phần giải quyết vấn đề rác thải, nâng cao ý thức người dân và gìn giữ cảnh quan thủ đô xanh-sạch-đẹp.
Đây là thùng rác công nghệ, được lắp tấm pin năng lượng mặt trời ở mái che, nguồn điện thu được để phát sáng bảng thông tin, quảng cáo phía trên thùng rác. Đặc biệt, thùng rác có thiết kế 2 ngăn riêng biệt dành cho rác thải không tái chế và rác thải có thể tái chế với chú thích rõ ràng. Mỗi thùng rác có dung tích khoảng 80 lít, được đặt cách nhau khoảng 50m, bảo đảm đủ không gian cho người đi bộ trên vỉa hè.
Những thùng rác xanh được lắp đặt ở một số tuyến phố đã tạo ấn tượng tốt đối với người dân Thủ đô. Chị Nguyễn Thu Thủy, 34 tuổi, cư dân khu vực đường Lê Duẩn cho biết, việc thùng rác sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng ban đêm đã làm đẹp thêm cả tuyến phố, giúp người đi đường có thêm nhiều điểm vứt rác văn minh.
Tuy nhiên, vì mới được triển khai không lâu nên mô hình còn một số bất cập. Theo anh Hoàng Nghĩa Hải (Cầu Giấy), nhiều người dân chưa nhận thức được việc phân loại rác, họ đem rác sinh hoạt đến vứt lung tung. Thùng rác thiết kế nhỏ, hiện đại, rất mỹ quan tuy nhiên lượng rác thải sinh hoạt và nhiều khi cả các nhà hàng, quán ăn cũng đem rác đến đổ gây ra tình trạng ùn ứ, quá tải.
Chị Nguyễn Thị H., nhân viên môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết đa số người dân chỉ đến vứt rác chứ họ chưa biết phân loại rác. "Tôi nghĩ người dân Hà Nội cần thêm thời gian để biết và quen với việc phân loại rác từ nguồn”, chị H. chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ xanh Goda cho biết: Sau 2 năm triển khai, hơn 80% số lượng thùng rác đã đạt hiệu quả rõ rệt, người dân đã có ý thức đổ rác đúng nơi quy định góp phần giúp môi trường Hà Nội xanh-sạch-đẹp hơn. Đây cũng chính là mục tiêu hướng tới của Goda khi quyết định triển khai dự án này. Trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục từng bước gia tăng số lượng thùng rác theo yêu cầu dự án để những chiếc thùng rác công nghệ trở nên gần gũi hơn với mỗi người dân thủ đô.
Trời tối, thùng rác tự động phát sáng do sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Internet
"Thời gian vừa qua, doanh nghiệp cũng nhận được phản ánh rằng một số người dân không vứt trực tiếp rác vào thùng mà để chung quanh vỉa hè cạnh thùng rác. Về vấn đề này, tôi xin được làm rõ rằng, chủ trương của thành phố Hà Nội là không để thùng rác chứa rác thải sinh hoạt, hàng ăn ra vỉa hè, lề đường làm mất cảnh quan đô thị; vì vậy mới có dự án thùng rác công nghệ xanh Goda để người dân, khách du lịch có nơi bỏ rác, mục tiêu là rác vãng lai; còn rác sinh hoạt và rác thải từ hàng ăn, quán xá, các hộ gia đình nên chờ nhân viên môi trường đến thu gom tại chỗ hằng ngày, hoặc đem đến các điểm thu gom rác.
Trong thời gian tới, hy vọng người dân hiểu đúng về thùng rác công nghệ để dự án hoạt động đúng với mục đích ban đầu. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này, chúng tôi đã lập tức thành lập đội môi trường gồm 4 người làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, gom rác vào thùng, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền khi thấy người dân ý thức chưa tốt. Chúng tôi cũng chủ động vệ sinh thùng rác định kỳ và phối hợp các đơn vị thu gom xử lý kịp thời không để rác tồn đọng. Đồng thời, công ty cũng sẽ triển khai in logo to hơn về phân loại rác tái chế và rác không thể tái chế trên thân thùng để thu hút sự chú ý, nâng cao ý thức của người dân”, ông Long cho hay.
Với những cố gắng và tâm huyết của doanh nghiệp vì dự án môi trường ý nghĩa, nếu người dân cùng chung tay ủng hộ, ý thức vứt rác đúng nơi quy định và biết phân loại rác thì chắc chắn tiến trình biến Hà Nội thành thủ đô xanh-sạch-đẹp, văn minh sẽ ngày một ngắn lại.
Người dân làm quen với việc phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường.
Thùng rác công nghệ được coi là giải pháp sáng tạo vì cộng đồng, sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường, làm tăng mỹ quan đô thị, xây dựng hình ảnh thủ đô ngày càng xanh-sạch-đẹp, văn minh, hiện đại. Thiết nghĩ việc thành phố triển khai thêm những thùng rác xanh là rất cần thiết, đặc biệt là tại các tuyến phố xa trung tâm để người đi đường "bớt mệt” khi "kiếm” nơi vứt rác.
Song, để thùng rác xanh phát huy triệt để hiệu quả, cần sự chung tay, phối hợp của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp và địa phương liên quan cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động, xã hội hóa phát triển thêm nhiều thùng rác ở các tuyến phố; đồng thời tăng cường truyền thông giúp người dân nâng cao ý thức, kiến thức trong việc phân loại rác thải và sử dụng thùng rác công nghệ.
"Để đi nhanh, hãy đi một mình. Để đi xa, hãy đi cùng nhau”, để Hà Nội không còn rác, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đơn vị thu gom và người dân hãy cùng nhau chung sức. Mỗi cá nhân hãy tìm hiểu về phân loại rác và là những tuyên truyền viên tích cực từ trong nhà ra ngoài phố, tạo sự đồng thuận trong xã hội để vấn nạn xả rác bừa bãi không phải là câu chuyện của riêng ai. Dù biết, đây không phải câu chuyện một sớm một chiều, có thể mất tới 5-10 năm để thay đổi thói quen và nhận thức toàn xã hội, nhưng hãy đi cùng nhau, chung tay góp sức, kiên trì, bền bỉ để môi trường Hà Nội xanh hơn mỗi ngày.
Theo Báo Nhân Dân