Chuyện dưới lòng cống sâu
14 giờ ngày 16-2, trên đường Điện Biên Phủ (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang), từ mặt đường nhựa, hơi nóng phả lên mặt người đi đường bỏng rát. Thế nhưng, bên kia đường, một đội công nhân bắt đầu dựng lều trại, dỡ nắp cống lên để chuẩn bị chui xuống lòng đất sâu dọn sạch bùn đất trong cống thoát nước. Đội công nhân gồm 30 người của Công ty TNHH Dũng Lợi - đơn vị ký hợp đồng với Ban Quản lý dịch vụ công ích TP. Nha Trang để thực hiện các gói thầu vệ sinh môi trường cho thành phố.
Công nhân chui xuống lòng cống sâu để dọn rác thải ở TP. Nha Trang.
Các công nhân cho biết, trước khi chui xuống cống, để đảm bảo an toàn và có đủ lượng ôxy, các nắp cống đã được mở 1 giờ đồng hồ trước đó và dùng quạt điện thổi một đầu cho thông thoáng khí. Trong một số trường hợp lòng cống sâu, các công nhân thường dùng giấy đốt và thả xuống, nếu giấy cháy hết chứng tỏ lượng ôxy đủ để thực hiện công việc. Nói xong, cả đội chia nhóm gồm 20 người xuống lòng đất, 10 người ở trên để kéo rác thải, bùn đất lên.
Theo chân các công nhân xuống dưới lòng cống, trong điều kiện thiếu ánh sáng, không gian bức bí, mùi hôi xộc thẳng vào mũi, chỉ ít phút chúng tôi đã cảm thấy khó chịu. Dưới lòng cống sâu chỉ le lói một vài tia sáng, các công nhân phải đeo thêm đèn pin trên đầu, rồi dùng xẻng xúc bùn và rác thải. Để dọn sạch một đường cống dài, họ sẽ dọn từ hai đầu cống rồi từ từ tiến vào giữa. Thời tiết Nha Trang những ngày này nắng ráo nên lượng nước dưới các lòng cống ít, thuận tiện cho công nhân đem các phương tiện xuống dưới. Lượng rác thải, bùn đất sẽ được xúc vào xe rùa, xô… buộc vào dây thừng để các công nhân ở phía trên kéo lên mặt đất, gom chuyển lên xe, sau khi đầy sẽ chở đến bãi rác để xử lý.
Ông Lương Quốc Đại - công nhân Công ty TNHH Dũng Lợi chia sẻ, những người xuống cống nước làm việc hầu hết đều lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm. Với những người mới vào làm, trước khi xuống cống phải được hướng dẫn và làm ít nhất 3 tháng để quen với môi trường và điều kiện làm việc; được hướng dẫn ứng phó với các tình huống khi xuống cống. Do điều kiện làm việc trong cống khắc nghiệt nên các công nhân phải thay phiên nhau. Các công nhân ở trên mặt đất kéo rác thải lên cũng không dễ dàng khi kéo suốt nhiều giờ đồng hồ khiến đôi tay rã rời.
Công nhân thu gom rác thải ở các hố ga.
Tiếp tục theo chân một đội công nhân nạo vét lòng cống khác của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, chúng tôi được nghe và chứng kiến thêm sự vất vả của công việc này. Ông Cao Văn Hùng, công nhân Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa chia sẻ, vào mùa mưa là vất vả nhất, mực nước dưới cống lên cao có khi đến bụng. Công nhân phải lội bì bõm giữa nước thải đen kịt, mùi hôi xộc thẳng vào mũi, rất cực nhọc, có khi phải mất đến 3-5 ngày mới dọn sạch được đường cống thoát nước. Thời điểm TP. Nha Trang bước vào mùa mưa bão, các công nhân theo địa bàn phân công sẽ tiến hành "trực bão”, khơi thông bất kể thời điểm ngày hay đêm khi có các điểm cống thoát nước bị tắc nghẽn do cành, lá cây, rác thải… khiến nước không thoát.
Công nhân Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa thu dọn vệ sinh ở các hố ga.
Bám trụ với nghề
Anh Lâm Gia Hùng (sinh năm 1996) là công nhân thu dọn vệ sinh cống nước trẻ tuổi nhất của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa. Lần đầu tiên xuống cống thu dọn rác, anh không chịu được mùi hôi và không khí nên lao lên ngay lập tức. Nhưng dần dần, được sự hướng dẫn của các cô, chú đồng nghiệp, sau 1 năm anh đã quen với công việc. "Công việc này tuy có nhiều vất vả, đánh đổi cả sức khỏe nhưng nếu ai cũng từ chối, mình không làm thì ai sẽ làm!”, anh bộc bạch.
Bà Phạm Thị Lan (sinh năm 1967, phường Phương Sài), công nhân Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa chia sẻ, công việc dọn vệ sinh ở cống thoát nước rất vất vả nên rất ít người có thể bám trụ được lâu dài với nghề. Đối với bà, nghề nghiệp nào kiếm tiền lương thiện cũng là nghề cao quý và đáng được trân trọng. Bà bám trụ được với nghề 25 năm qua trước tiên là vì cuộc sống mưu sinh, kiếm tiền lo cho con ăn học và gia đình êm ấm là điều hạnh phúc nhất. Công việc này nhiều vất vả, nhưng bù lại các công nhân được lãnh đạo công ty thường xuyên động viên, đảm bảo chế độ, phụ cấp nên cũng an tâm làm việc .
Mong muốn của các công nhân thu dọn rác thải dưới lòng cống là người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi; mong muốn có thêm các thiết bị hiện đại hơn để hỗ trợ, phụ giúp họ trong việc nạo vét, khơi thông lòng cống, để công việc đỡ phần vất vả.
Ông Trịnh Doãn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Dũng Lợi cho biết, công ty có khoảng 50 công nhân làm công việc nạo vét lòng cống, hố thu ở 10 xã, phường TP. Nha Trang. Lịch làm việc của công nhân mỗi ngày từ 7 giờ đến 11 giờ và từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút, không chỉ nạo vét bùn, rác thải trong lòng cống mà còn nạo vét các hố ga, mương, cống… ở các khu dân cư theo khu vực phân công. Chính vì vậy, cường độ làm việc dày đặc, mỗi tuần chỉ nghỉ vào Chủ nhật. Công nhân công ty có người làm lâu dài, có người làm thời vụ ở nhiều địa phương khác nhau như Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh… nên bên cạnh việc đảm bảo các quyền lợi về lương, thưởng, thời gian, công ty cũng tạo điều kiện sắp xếp lịch làm việc phù hợp cho các công nhân ở xa.
Ông Nguyễn Văn Đàm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa: Ở TP. Nha Trang, hiện nay, việc nạo vét rác thải, khơi thông hệ thống thoát nước được giao cho 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa quản lý 17 xã, phường và Công ty TNHH Dũng Lợi quản lý 10 xã, phường. Riêng Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa có khoảng 60 công nhân, chia làm 2 đội: cấp và thoát nước, trao đổi, đan xen công việc liên tục. Công nhân được trang bị quần áo bảo hộ lao động, mặt nạ phòng độc, quần ủng, mũ, găng tay nhựa và đảm bảo các chế độ, lương thưởng theo quy định của Nhà nước. Với lao động nữ được công ty bố trí làm việc trên mặt đất, lao động nam làm phần việc nặng nhọc hơn dưới cống ngầm.
Theo Báo Khánh Hoà