Đối tượng phục vụ của vòi nước công cộng?

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/7/2021 | 8:36:34 AM

QLMT - Hơn 10 vòi nước công cộng hiện đại đặt tại trường học, chợ, công viên ở Hà Nội đã thấy rõ đối tượng “phục vụ”. Tuy vậy có thêm một đối tượng khác: người đến lấy nước sạch mang về nhà. Tương lai nào cho việc phát triển mạng lưới vòi nước công cộng?

Năm 1896, Nhà máy nước Yên Phụ chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên tất cả hoạt động đồng bộ từ sản xuất, truyền dẫn, đến vòi nước công cộng chỉ từ ngày 24-2-1900. Công suất của nhà máy nước Yên Phụ thời bấy giờ là 4.000m3/ngày còn mạng lưới đường ống truyền dẫn đường kính tối đa là 200mm. Nhiệm vụ chủ yếu  của Nhà máy nước Yên Phụ là cấp nước cho các cơ quan chính quyền thực dân Pháp và một phần khu dân cư thuộc 36 phố phường. Trước khi có Nhà máy nước Yên Phụ cũng như sau này khi công suất của nhà máy không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước người dân vẫn lấy nước ao, hồ về đánh phèn để dùng. Nhiều nơi còn đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Cho đến nay trong nhiều khu phổ cổ, phố cũ vẫn còn giếng, nước trong vắt, mát lạnh.  


Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hà Nội có 85 vòi nước công cộng cung cấp cho các hộ gia đình không có điều kiện lắp máy tại nhà. Vòi nước công cộng có thân được đúc bằng gang, có hình trụ và vòi bằng đồng. Theo thời gian số vòi nước công cộng tiếp tục tăng lên. Thời bao cấp, vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, sau những lần chạy nhảy, chơi trốn tìm, đá bóng chúng tôi lại chạy đến vòi nước công cộng, ngậm miệng vào vòi uống ừng ực. Nước chảy đến đâu mát ruột, mát gan đến đó. 

Vòi nước công cộng mất dần sau nhiều lần hệ thống cung cấp nước sạch của thành phố được nâng cấp. Từ năm 2019 trở lại đây, Hà Nội xuất hiện những vòi nước công cộng hiện đại. Sau khi được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép, những trụ nước sạch uống tại vòi đầu tiên được Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ cuối tháng 1-2019. Ba địa điểm đầu tiên được lắp đặt: vườn hoa Sơn Tây (gần ngã tư Quang Trung - Tràng Thi); phía trước chợ Hàng Da (gần ngã tư Hàng Da - Hà Trung) và phía trước chợ Đồng Xuân. Nguồn cung cấp nước tại đây bảo đảm phục vụ người qua lại 24/24h. Mỗi trụ nước cao 1,2m, chiều dài và rộng 50cm, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, đồng thời tạo điểm nhấn để người dân dễ dàng quan sát, nhận biết. Các trụ nước sạch nằm trên vỉa hè, cách mép đường khoảng 50cm và được lắp đặt hệ thống máy lọc nước thông minh. Chi phí để lắp đặt mỗi trụ nước khoảng 110 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Bệ uống nước được thiết kế cao đến quá bụng người lớn. Trẻ em khi uống có thể bước lên bệ cao hơn 20cm đặt sẵn dưới chân trụ. Mỗi lần uống nước, người dùng chỉ cần nhấn nút, hệ thống bơm tự động sẽ phun nước cao khoảng 30cm để người sử dụng không phải cúi thấp xuống vòi. Chất lượng nước đạt toàn bộ các tiêu chuẩn của nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai theo quy định của Bộ Y tế. Các mẫu thử được lấy liên tục để kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội.


Từ năm 2020, thông qua Dự án "Nước uống sạch cho thành phố Hà Nội”, trên địa bàn thành phố đã lắp đặt 10 vòi nước công cộng, trong đó có 5 vòi nước công cộng đặt tại các địa điểm thuộc quận Hoàn Kiếm (Vườn hoa Hàng Trống, Vườn hoa Con Cóc, Phố Sách, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn Hà Nội), và 5 trụ nước tại 5 trường đại học, Cao đẳng (Khoa Y dược -ĐH Quốc gia, ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Giáo Dục, Cao đẳng Sư phạm Trung ương). Ứng dụng công nghệ siêu lọc UF và thẩm thấu ngược RO hiện đại của DuPont, các vòi nước công cộng bảo đảm công suất lọc 80 lít/giờ. Coca-Cola Việt Nam và DuPont Việt Nam hợp tác cùng Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng CFC thực hiện Dự án nói trên. Dự án đã nhận được sự ủng hộ của những người thường xuyên sử dụng vòi nước công cộng như: học sinh, sinh viên, người dân lao động, người bán hàng rong, tài xế công nghệ, người tập thể dục thể thao ngoài trời, khách du lịch…Dự án càng có ý nghĩa hơn vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời có lúc cao hơn 40 độ C.  


Một vấn đề đặt ra là xuất hiện thêm một đối tượng sử dụng vòi nước công cộng. Nói là thêm vì không nằm trong dự tính của người thiết kế Dự án. Đó là người dân sống chung quanh nơi đặt vòi nước công cộng đưa bình, can đến lấy nước mang về nhà. Nhiều tháng nay đi bộ chung quanh Hồ Gươm, Vườn hoa Lý Thái Tổ vào khoảng 20 giờ tôi thấy rất nhiều người mang bình, can nhựa dung tích từ một đến năm lít để lấy nước từ các vòi công cộng mang về nhà. Lúc đầu chỉ một vài người nay thì lúc nào cũng có từ hai đến ba người đứng xếp hàng chờ đến lượt. Bác Minh nhà ở phố Bà Triệu cho chúng tôi biết: Nhiều gia đình đã lắp các thiết bị lọc nước, nhưng còn rất nhiều hộ gia đình như nhà tôi chưa có điều kiện lắp thiết bị lọc, do vậy tôi đến đây lấy nước sạch về để uống cả ngày không cần đun sôi, và để cho vợ nấu cơm, nấu canh. Dùng nước từ hệ thống cấp nước của thành phố đun lên cặn vôi bám đầy bình, nhiều hôm còn vẩn đục. Tôi biết ở Đức và nhiều nước khác người dân có thể uống nước sạch trực tiếp từ hệ thống cấp nước của thành phố. Chẳng biết đến bao giờ Hà Nội có hệ thống cấp nước như vậy. Chưa thấy ai nhắc nhở cho nên hằng ngày tôi vẫn đến vòi nước công cộng này để "xin” nước về uống.  Lý do bác Minh đưa ra thật chính đáng vì vòi nước công cộng đáp ứng nhu cầu muốn sử dụng nước sạch của người dân. Tuy vậy vòi nước công cộng đang hoạt động vượt công suất nhiều lần, do lượng người mang nước về ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến tuổi thọ của vòi nước công cộng sẽ giảm đáng kể do phải thay liên tục thiết bị lọc, Dự án bị đội vốn, dẫn đến tình trạng không còn kinh phí để duy trì hoạt động. Vòi nước công cộng sẽ khô nước, sớm được đưa về bảo tàng. Từ thực tế này chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền cần có biện pháp cụ thể để không cho người dân đến mang nước về nhà. Dành nước sạch cho các đối tượng phục vụ nói trên. Đồng thời nghiên cứu dự án xây dựng vòi nước công cộng với công suất lớn đặt tại các khu dân cư theo hình thức xã hội hóa. Đáp ứng nhu cầu muốn sử dụng nước sạch (đủ tiêu chuẩn như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai theo quy định của Bộ Y tế) của người dân khi hệ thống cấp nước của thành phố chưa làm được điều đó.   

HÀ VY

Tags vòi nước công cộng sử dụng nước sạch bảo vệ nguồn nước

Các tin khác

Sáng 19/9, Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thăm và tặng 200 suất quà cho công nhân lao động của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên các nữ công nhân môi trường đô thị đang vất vả thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các phường trên địa bàn Hà Nội.

“Mấy ngày này đi làm cũng sốt ruột ở nhà lắm. Thỉnh thoảng lại gọi điện về cho 2 con ở nhà dặn nếu nước vào nhà thì trèo lên tầng 2. Cũng chỉ có thể làm được như thế vì ở đây việc dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 vẫn bộn bề...” - chị Ninh Thị Loan - tổ trưởng tổ thu gom rác thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ.

Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục