Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế: Chưa phát huy hết lợi thế

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/12/2023 | 8:52:05 AM

Trong những năm qua, việc phát triển, quy mô của các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển mô hình KKT, KCN đã bộc lộ những hạn chế nhất định cần giải pháp để tháo gỡ.

Trong 6 tháng năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4ha
Trong 6 tháng năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4ha (ảnh: T/L).

Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Tính đến đầu năm 2023, cả nước có 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích 766 nghìn ha; 19 KKT ven biển được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển); 412 KCN đã được thành lập tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,8 nghìn ha, trong đó có 293 KCN đã đi vào hoạt động.

Hiện tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 49,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,1%. Trong 6 tháng năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4ha.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các KKT, KCN đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ đô la Mỹ.

Riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KKT, KCN chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong KKT, KCN trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh, giai đoạn 2016 – 2020, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của dự án trong KKT, KCN chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển thực tế của các KKT, KCN thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II, hạn chế đầu tiên chính là quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia.

Bên cạnh đó, tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT, KCN với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất, đô thị và hạ tầng giao thông chưa cao. Việc phát triển KKT, KCN theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KKT, KCN chưa được chú trọng đúng mức. Thiếu kết nối với hạ tầng giao thông dẫn đến không phát huy hết lợi thế đầu tư của các KKT, KCN, gây lãng phí nguồn lực xã hội, chưa đáp ứng được tính liên kết vùng…

Giải pháp thu hút đầu tư cho KKT, KCN

Các chuyên gia nhận định, phát triển KCN, KKT là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề, do đó cần thiết phải triển khai xây dựng Luật Khu Kinh tế, Khu công nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển KCN, KKT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các chính sách thu hút đầu tư vào KCN, KKT cần được xây dựng và hoàn thiện theo hướng sàng lọc dự án, cơ chế đánh giá và kiểm soát bảo đảm an ninh, quốc phòng; Ưu tiên phát triển các mô hình KCN mới: KCN sinh thái, KCN – đô thị - dịch vụ, KCN hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung…

Đề xuất giải pháp, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II cho rằng, quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững. Xem xét quy hoạch phát triển các KKT, KCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, cần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về KKT, KCN theo nguyên tắc "một cửa, tại chỗ”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của KKT, KCN theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Hoạt động đầu tư cần được thực hiện có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam…

Theo Báo Xây dựng

Tags phát triển khu công nghiệp khu kinh tế đất công nghiệp thu hút đầu tư

Các tin khác

Xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển bền vững.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có kết quả quan trắc môi trường không khí lần 1/2024 tại 26 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thanh tra, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hoá đã có Thông báo số 66/TB-STNMT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục