Bình Thuận: Gỡ vướng, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2023 | 4:52:24 PM

QLMT - Tại địa phương hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích hơn 3.000 ha.

Trong số này, đến nay có 6 KCN đã triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp với tổng diện tích gần 1.100 ha, gồm: KCN Phan Thiết giai đoạn 1 (diện tích 68,36 ha), KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (40,7 ha), KCN Hàm Kiệm I (132,67 ha), KCN Hàm Kiệm II (402,06 ha), KCN Tuy Phong (150 ha), KCN Sông Bình (300 ha). Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết thời gian qua, các chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai xây dựng hạ tầng để thu hút dự án thứ cấp vào KCN trên địa bàn tỉnh. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trong các KCN tiếp tục duy trì ổn định và có tín hiệu khởi sắc, nhất là với nhóm ngành nông - lâm - hải sản, khoáng sản, dệt may, da giày, giấy dính cao cấp… Tính riêng quý đầu năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp nơi đây đạt khoảng 2.000 tỷ đồng (tăng 17,3% so cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 45 triệu USD (tăng 24,5%) và nộp ngân sách 30,5 tỷ đồng (tăng gần 11%).


Một KCN được triển khai đầu tư trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Ngoài 6 KCN nói trên, hiện Bình Thuận còn có KCN Sơn Mỹ I với diện tích 1.070 ha đã khởi công vào cuối tháng 8/2022 và sắp tới sẽ khởi công KCN Tân Đức với diện tích 300 ha. Riêng KCN Sơn Mỹ 2 có diện tích 540 ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư). Đây đều là những KCN quy mô, dự kiến thu hút nhiều dự án thứ cấp và khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, có triển vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dù vậy, quá trình triển khai đầu tư xây dựng các KCN trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút dự án thứ cấp mà chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Như về công tác lập, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể phục vụ đền bù giải tỏa, cho thuê đất và giao đất đối với các dự án KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ I.

Ngoài ra thủ tục đầu tư, xây dựng (phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án…) cũng diễn ra chậm, kéo dài như trường hợp KCN Sơn Mỹ II, dẫn đến công tác khởi công xây dựng dự án bị ảnh hưởng và chưa thể thực hiện… Còn những KCN đã đi vào hoạt động cũng gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, trong đó có việc cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần, hoặc thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy. Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, việc cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là vấn đề tiên quyết trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN. Bởi đều này sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động các phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là đối với dự án vốn nước ngoài, có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Từ thực tế nêu trên, vừa qua Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sở ngành, địa phương liên quan phối hợp tham mưu hỗ trợ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó trong công tác xác định giá đất cụ thể, phục vụ đền bù giải tỏa KCN Sơn Mỹ I thì sở chức năng cần khẩn trương thẩm tra phương án giá đất theo hồ sơ đề nghị của huyện Hàm Tân, trình cơ quan thẩm quyền tổ chức thẩm định để tiến tới trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý II/2023. Đồng thời huyện Hàm Tân cũng kịp thời phối hợp đơn vị tư vấn hoàn chỉnh lại phương án giá đất để trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, tiếp đó trình cơ quan thẩm quyền của tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt nhằm phục vụ áp giá, đề bù giải tỏa tại dự án KCN Tân Đức… Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo sở, ngành chuyên môn quản lý đất đai nghiên cứu đề xuất sớm giải quyết việc chuyển hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang trả tiền thuê đất 1 lần, nhằm có cơ sở cấp quyền sử dụng đất dài hạn cho nhà đầu tư thứ cấp đã vào đầu tư trong KCN.

Đối với dự án KCN Sơn Mỹ II, thời gian qua Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, UBND tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để chủ đầu tư KCN có điều kiện triển khai thực hiện thủ tục đền bù giải tỏa hướng tới khởi công dự án…

Theo Báo Bình Thuận 

Tags Bình Thuận Gỡ vướng phát triển các khu công nghiệp

Các tin khác

Xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển bền vững.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có kết quả quan trắc môi trường không khí lần 1/2024 tại 26 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thanh tra, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hoá đã có Thông báo số 66/TB-STNMT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục