Tiềm năng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc khi được bàn giao cho TP. Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/4/2023 | 4:30:59 PM

QLMT - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ KH&CN khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cho TP Hà Nội quản lý để phát huy tối đa tiềm năng của Khu CNC Hòa Lạc.

"Tôi đã chỉ đạo đồng chí Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - PV) phải khẩn trương bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội quản lý trong quý I-2023”.

Đây là phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, diễn ra ngày 12-2 tại tỉnh Quảng Ninh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, nhân đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát, đánh giá mô hình quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để rút kinh nghiệm làm căn cứ tập trung phát triển, quản lý các khu công nghệ cao trên cả nước hoạt động hiệu quả.

"Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ làm một khu mà phải sản sinh ra nhiều khu công nghệ cao ở nhiều địa phương khác nhau và phải hoạt động thật hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


Khu công nghệ cao Hòa Lạc. 

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, từ khi thành lập cho đến nay, mục tiêu của Khu CNC Hòa Lạc là phát triển công nghệ lõi với định hướng chú trọng cho các trung tâm, viện nghiên cứu.

Khác với các khu công nghiệp, khu CNC được định hướng thành đô thị khoa học công nghệ, tập trung đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Nếu lấp đầy rất nhanh bằng các dự án FDI thì có thể trong thời gian ngắn sẽ đạt được thành tích thu ngân sách, tạo công ăn việc làm nhưng cũng sẽ bão hòa rất nhanh về tiềm lực" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Như vậy, sau hơn 20 năm dưới sự quản lý của Bộ KH&CN, Khu CNC Hòa Lạc sẽ được chuyển giao về Hà Nội. "Có nghĩa khi Hà Nội tiếp nhận khu CNC và giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm về giao thông công cộng thuận lợi hơn cũng như phát triển đô thị xung quanh, thành một khu đô thị khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Việc Khu CNC Hòa Lạc về Hà Nội có thể sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua” - Thứ trưởng Bộ KH&CN kỳ vọng.

Phó trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết: sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện Khu CNC Hòa Lạc có quy mô gần 1.600ha. Cho biết đến nay, khu đã thu hút 104 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 99.000 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376ha.

Các nhà đầu tư nước ngoài, DN hàng đầu về công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đều đã tập trung tại đây. Các DN đã tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính lan tỏa, dẫn dắt, tác động tới một số ngành, lĩnh vực; hình thành một hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh việc kết nối nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị, Khu CNC Hòa Lạc cũng rất chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc các trường đại học đặt trong Khu CNC Hòa Lạc như Đại học FPT, Đại học KH&CN Hà Nội, Đại học Việt - Nhật, Đại học Văn Lang... gắn với đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông; cơ điện tử; công nghệ sinh học nông, y dược; kỹ thuật hàng không... đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo và nhu cầu về nhân lực của DN.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Khu có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng. Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy mới đạt khoảng 240ha; nhìn chung hiệu quả sử dụng đất chưa đạt yêu cầu, tương xứng với mục tiêu đề ra.

Để tăng cường hiệu quả quản lý và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị hướng tới xây dựng thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thành phố Hà Nội đã có kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý.

An Na 

Tags Khu công nghệ cao Hòa Lạc Tiềm năng TP. Hà Nội bàn giao

Các tin khác

Xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển bền vững.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có kết quả quan trắc môi trường không khí lần 1/2024 tại 26 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thanh tra, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hoá đã có Thông báo số 66/TB-STNMT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục