Đồng Nai: Nhiều diện tích đất công nghiệp còn nằm trên giấy

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 5:04:32 PM

QLMT - Đến nay, Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 10,2 ngàn ha. Diện tích đất công nghiệp còn lại chưa cho thuê là hơn 1 ngàn ha. Tuy nhiên, do vướng bồi thường nên diện tích đất trên vẫn còn "nằm trên giấy".

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong các KCN đã thành lập có 31 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 85%, còn lại 1 KCN đang trong quá trình thu hồi đất và xây dựng hạ tầng. Do đó, các doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài muốn tìm thuê diện tích đất công nghiệp lớn tại Đồng Nai từ 5-10ha để xây dựng nhà máy sản xuất gần như không còn.


Ảnh minh hoạ
Bỏ lỡ nhiều nhà đầu tư

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đến tỉnh tìm thuê đất để đặt các nhà máy nhưng rồi lại phải tìm nơi khác vì hầu hết các KCN không còn diện tích đất để cho thuê. Một số KCN còn đất nhưng diện tích rất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nên họ đã phải tìm đến những địa phương lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để thực hiện dự án. Do đó, dòng vốn FDI vào tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2022 rất thấp, chỉ hơn 500 triệu USD. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương thu hút FDI trên 2,5 tỷ USD.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: "Diện tích đất công nghiệp còn lại cho thuê rất ít nên nhiều DN FDI sau khi vào tìm không được đất công nghiệp để thuê đã đến các tỉnh lân cận. Trong đó, có những dự án vài trăm triệu USD và cũng có dự án lên đến trên 1 tỷ USD. Trên giấy tờ, các KCN đã thành lập còn hơn 1 ngàn ha đất công nghiệp, nhưng thực tế các khu đất trên vẫn đang bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thu hồi được để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê”.

Trong quy hoạch các KCN của Việt Nam, Đồng Nai có 39 KCN, hiện còn 7 KCN chưa được thành lập là: KCN Cẩm Mỹ, KCN Gia Kiệm, KCN Xuân Quế - Sông Nhạn, KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp, KCN Phước An, KCN Phước Bình 2 và KCN Long Đức 3. Nếu các KCN trên được thành lập, thu hồi đất nhanh để làm hạ tầng kỹ thuật sẽ có thêm hơn 7 ngàn ha đất công nghiệp.

Nếu việc thu hồi đất cho các KCN không được triển khai nhanh thì trong năm nay và một vài năm tới, Đồng Nai tiếp tục rơi vào tình trạng DN muốn đầu tư vào tỉnh không thiếu, nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về đất đai của đối tác. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư và chậm tiến độ phát triển công nghiệp của tỉnh.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Thành (công ty đầu tư hạ tầng KCN Long Thành) cho hay: "Diện tích đất còn lại của KCN Long Thành có thể cho DN thứ cấp thuê chỉ hơn 20ha. Tuy nhiên, công ty để lại diện tích trên để xây dựng sẵn nhà xưởng cho thuê, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn”.

Hiện nay, nhiều KCN còn ít diện tích đất công nghiệp cho thuê cũng đều giữ lại xây dựng sẵn nhà xưởng cho DN thuê lại từng khu, từ 300-1.000m2.

Bài toán khó giải

Từ 2-3 năm trước, nhiều sở, ngành, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã lên tiếng về việc diện tích đất công nghiệp cho thuê trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Do đó, các công ty hạ tầng phối hợp với địa phương, sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… để sớm có mặt bằng xây dựng hạ tầng để cho DN thứ cấp thuê. Thế nhưng đến nay, hàng loạt KCN trên địa bàn tỉnh vẫn vướng mắc ở những khâu trên nên chưa biết khi nào có mặt bằng để thi công.

Đơn cử như: KCN Amata (TP.Biên Hòa); KCN Hố Nai, KCN Sông Mây, KCN Bàu Xéo (H.Trảng Bom); KCN công nghệ cao Long Thành, KCN Long Đức (H.Long Thành); KCN Ông Kèo (H.Nhơn Trạch); KCN Định Quán (H.Định Quán); KCN Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu)… đang vướng ở khâu thủ tục và bồi thường. Trong đó, có những dự án đã kéo dài 10-15 năm chưa giải quyết dứt điểm.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, thu hồi đất của các KCN để giao cho chủ đầu tư triển khai làm hạ tầng các KCN và cho thuê đất. Công tác bồi thường kéo dài, giá đất tăng sẽ càng khó khăn hơn cho việc thu hồi đất. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt thêm cho Đồng Nai một số KCN, tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ gấp rút hoàn thành thủ tục để sớm thành lập, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có đất cho DN thứ cấp thuê xây dựng nhà máy sản xuất.

Tuy nhiên, mọi việc có được đẩy nhanh tiến độ thì phải 3-4 năm nữa Đồng Nai mới có thêm các KCN mới với diện tích lớn để cho nhà đầu tư FDI, trong nước đến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Như vậy, trong 1-3 năm tới, việc thu hút đầu tư FDI của tỉnh vào lĩnh vực công nghiệp vẫn khó có được sự đột phá như các địa phương: Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh…/.

Duy Anh (T/h)

Tags Đồng Nai đất công nghiệp Đồng Nai

Các tin khác

Xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển bền vững.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có kết quả quan trắc môi trường không khí lần 1/2024 tại 26 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thanh tra, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hoá đã có Thông báo số 66/TB-STNMT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự