Thảo luận chuyên sâu về chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/6/2024 | 8:20:05 AM

Với chủ đề “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá triển vọng và những thách thức mới đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; thảo luận chuyên sâu các vấn đề liên quan chuyển đổi xanh trong các KCN...


Ảnh minh hoạ. 

Đòi hỏi ngày càng lớn

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu cho rằng, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã tạo tiền đề cho việc phát triển khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ về cân bằng carbon vào năm 2050 là yếu tố thúc đẩy xu hướng xanh hóa trong sản xuất.

Theo ông Hiếu, tại Việt Nam, việc phát triển khu công nghiệp xanh mới chỉ ở giai đoạn đầu. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý môi trường và phát thải, yếu tố quyết định thành công cho công cuộc xanh hóa phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp.

"Hiện nay, xuất phát từ yêu cầu của khách hàng và yêu cầu của thị trường mục tiêu, một số doanh nghiệp sản xuất bắt đầu đầu tư để ‘xanh hóa’. Tuy vậy, đa phần các doanh nghiệp đều bối rối vì không biết phải thực hiện theo tiêu chuẩn nào, thực hiện ra sao, hiệu quả chuyển đổi xanh như thế nào. Do vậy, rất cần có thêm những chuẩn mực, hướng dẫn, khung tài chính phù hợp để sự chuyển đổi xanh được diễn ra rộng rãi và hiệu quả hơn”, ông Hiếu nói.

Dữ liệu từ khảo sát của Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho thấy, 87% khách thuê bất động sản được khảo sát trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đang nhắm mục tiêu danh mục đầu tư được chứng nhận xanh 100% vào năm 2030, tăng từ 4% danh mục đầu tư được chứng nhận hiện nay. Tâm lý này đặc biệt rõ ràng ở các quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan, với hơn 95% khách thuê bất động sản nhắm mục tiêu 100% danh mục đầu tư được chứng nhận xanh.

Theo JLL, ngày càng nhiều công ty áp dụng các chiến lược bền vững như kiểm toán năng lượng, trang bị nội thất bền vững và hợp đồng thuê xanh để có được nơi làm việc bền vững. Hay với mảng năng lượng, 74% khách thuê dự kiến một nửa nhu cầu năng lượng sẽ được đáp ứng bởi năng lượng tái tạo, so với 9% từ các nguồn tái tạo hiện nay. Sự hợp tác giữa chủ nhà và khách thuê sẽ rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu xây dựng bền vững. Hiện tại, nhiều khách thuê bất động sản dựa vào Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua sắm năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo đang ngày càng được chú ý và triển khai rộng rãi hơn ở các khu công nghiệp, điển hình là điện mặt trời áp mái, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống, cũng như đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về phát triển xanh. Đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi xanh đã trở thành một đòi hỏi tự thân của doanh nghiệp, trở thành xu hướng tất yếu, thay vì là một lựa chọn như trước đây.

Bà Elke Kornalijnslijper - Trưởng Phòng Tư vấn bền vững, JLL châu Á - Thái Bình Dương cho hay, thị trường ngày càng chứng kiến sự thay đổi tư duy từ "danh mục đầu tư xanh sẽ tiêu tốn bao nhiêu chi phí cho công ty của tôi” sang "việc không đầu tư vào việc tạo ra danh mục xanh sẽ khiến công ty của tôi tổn thất bao nhiêu” từ phía doanh nghiệp.

Lối đi chung cho các bên

Quay trở lại câu chuyện phát triển xanh, ông Bùi Lê Anh Hiếu cho hay, kiên trì thực hiện từng mục tiêu phát triển bền vững, Khu công nghiệp Long Hậu là một trong số ít khu công nghiệp tại Việt Nam đạt chứng chỉ ISO 14001:2015 về quản lý môi trường. Long Hậu cũng tin rằng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất - kinh doanh không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài cho các doanh nghiệp, mà còn tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cư dân trong khu vực.

Ông Hiếu cho biết, cùng với chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Hậu đã và đang từng bước triển khai các hoạt động phát triển bền vững một cách nghiêm túc và có hệ thống. Điển hình là việc đầu tư xây dựng công trình xanh, giảm lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng; tham gia vào các chương trình cộng đồng; nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động; thực hiện các báo cáo minh bạch về quản trị doanh nghiệp…

"Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển khu công nghiệp hiện nay đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian phát triển khá dài. Hơn nữa, khác với các loại hình bất động sản khác, tại giai đoạn phát triển dự án, rất khó xác định trước khách thuê là ai. Do đó, các nhà phát triển khu công nghiệp cần cơ chế thuận lợi để rút ngắn thời gian của giai đoạn chuẩn bị và phát triển dự án, cũng như khung tài chính có tính hỗ trợ cho việc hình thành khu công nghiệp xanh”, ông Hiếu nói.

Còn theo ông Trương Khắc Nguyên Minh - Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu đối với các nền kinh tế đang phát triển. Tại các quốc gia, các mô hình truyền thống hướng đến sản xuất, xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi, thay thế sang các hình thức khác dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên; chia sẻ dịch vụ dùng chung nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Lãnh đạo KCN Việt Nam nhìn nhận rằng, Chính phủ đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy mạnh phát triển toàn ngành công nghiệp, nâng cao vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn được nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới lựa chọn giữa lúc tình hình kinh tế - chính trị thế giới gặp nhiều biến động. Cụ thể, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP, đề ra "phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”.

Dù vậy, theo ông Minh, còn nhiều khía cạnh cần hoàn thiện, bổ sung để việc phát triển khu công nghiệp sinh thái được nhân rộng tại Việt Nam, chẳng hạn cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn, đo lường và đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, các đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và phân bổ nguồn lực, đầu tư nghiêm túc cho khía cạnh bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

"Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp còn gặp khó khăn về pháp lý do sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường. Các doanh nghiệp mong muốn có những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng dành riêng cho khu công nghiệp sinh thái để làm căn cứ thực hiện, vận hành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ riêng về tiền thuê đất, vốn tín dụng… để hỗ trợ các doanh nghiệp tự tin phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái”, ông Minh nói.

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 4 năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp của Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA), sẽ diễn ra tại Khách sạn Mai House Saigon, TP.HCM vào thứ Ba (30/7/2024).

Với chủ đề "Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá triển vọng và những thách thức mới đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; thảo luận chuyên sâu các vấn đề liên quan chuyển đổi xanh trong các KCN, hướng tới xây dựng các KCN xanh, KCN sinh thái để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn từ các tập đoàn toàn cầu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Báo Đầu tư cũng sẽ phối hợp với VIREA tổ chức Cuộc bình chọn "Vì tương lai xanh”(VIPF Green Future Awards). Việc bình chọn nhằm cổ vũ, vinh danh những chủ đầu tư có chiến lược phát triển các KCN sinh thái, KCN xanh, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong các KCN có chiến lược phát triển xanh, sử dụng năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái, góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững. Hạn chót nhận hồ sơ đăng ký là 10/7/2024.

Thông tin chi tiết về Diễn đàn và Cuộc bình chọn, vui lòng xem tại địa chỉ: https://vipf.vir.com.vn/

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Tags chuyển đổi xanh khu công nghiệp Diễn đàn Xanh hóa

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục