Bình Dương: Nhiều chính sách ưu đãi để di dời nhà máy vào các khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/3/2024 | 9:53:56 AM

QLMT - UBND tỉnh Bình Dương đã làm việc với các ngành chuyên môn để triển khai di dời hàng ngàn nhà máy nằm chung quanh các khu dân cư ở phía Nam đưa vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh.

Ngày 5/3, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện việc di dời các doanh nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư để di dời vào các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc của tỉnh.

Tỉnh chọn khu công nghiệp Cây Trường ở huyện Bàu Bàng và cụm công nghiệp ở huyện Dầu Tiếng có diện tích 1.300 ha để bố trí di dời các nhà máy. Tỉnh cũng thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành để phục vụ di dời nhà máy gốm sứ, cụm công nghiệp chuyên ngành về đồ gỗ.

Báo cáo về Dự thảo kế hoạch xây dựng chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết sẽ có các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, chính sách hỗ trợ người lao động bao gồm: hỗ trợ trong thời gian doanh nghiệp ngừng sản xuất; chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời; hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới; chính sách về bảo hiểm xã hội; chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.

Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp gồm: hỗ trợ về khuyến công; hỗ trợ xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án trong khu công nghiệp (KCN); phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới.


Ảnh minh hoạ

Một số chính sách mới cũng được Sở Công thương đề xuất như: hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Góp ý thêm về chính sách di dời cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương đề xuất, cần có chính sách vay vốn với mức lãi vay ưu đãi cho các doanh nghiệp phải di dời. Đối với các doanh nghiệp chưa thuộc diện bắt buộc phải di dời tỉnh cũng nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp di dời. Ngoài ra, các tiêu chí bắt buộc di dời cần phải liệt kê cụ thể để có cơ sở áp dụng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, việc di dời, chuyển đổi công năng của các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp phía Nam lên phía Bắc là định hướng lớn của tỉnh để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh.

Đồng thời, việc di dời nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh. Ông Minh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng, thực hiện từng bước theo lộ trình và hỗ trợ là chính, hạn chế tối đa việc cưỡng chế di dời.

Tỉnh Bình Dương có chủ trương di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp ở phía Nam (giáp TP.HCM, Đồng Nai) lên các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc (giáp tỉnh Bình Phước).

Theo Đề án Di dời doanh nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư, TP. Thuận An di dời từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2028; TP. Dĩ An từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP. Thủ Dầu Một từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TX. Tân Uyên từ tháng 1/2024 đến 12/2029; TX. Bến Cát từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Có tổng cộng 2.888 doanh nghiệp thuộc diện phải di dời, với tổng số lao động là 288.481 lao động.

Số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp ở Bình Dương chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp (không tính hộ cá thể).

Chương trình di dời các nhà máy tại khu vực phía Nam do các nhà máy không đáp ứng về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và yêu cầu khác. Việc di dời còn nhằm chuyển đổi quỹ đất tại không gian phát triển mới cho các mô hình phát triển dịch vụ, cải tạo đô thị, phát triển nhà ở xã hội.

Lộ trình thực hiện dời các nhà máy ngoài khu dân cư vào trong khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư. Các cơ sở phải chuyển đi chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh gồm thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một.

AN NA (T/h)

Tags Bình Dương khu công nghiệp di dời nhà máy khu công nghiệp Cây Trường

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục