Phát triển bền vững bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2024 | 10:57:17 AM

QLMT - Trong bối cảnh phát triển mới hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững, việc “xanh hóa” đầu tàu này là yêu cầu tất yếu.

Trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) đang đóng vai trò đàu tàu trong việc phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa hiện - đại hóa đất nước.Với 291 KCN trên cả nước đã đi vào hoạt động, 106 KCN đang được đưa vào triển khai, xây dựng thì vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang định hướng công nghiệp sẽ sớm đạt được. Tuy nhiên trong bối cảnh phát triển mới hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững, việc "xanh hóa” đầu tàu này là yêu cầu tất yếu và việc nhân rộng mô hình các KCN sinh thái là cách thức để hiện thực hóa điều này.

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (KKT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cả nước có 397 KCN đã được thành lập, có 291 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 58,7 nghìn ha và 106 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,8 nghìn ha.

Chính nhờ vào các KCN mà nước ta đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đã có 10.528 dự án FDI (220,18 tỷ USD) và 9.995 dự án đầu tư trong nước (DDI) với 2.420 nghìn tỷ đồng đổ vào các KCN, KKT. Các dự án trong KCN, KKT đã và đang góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Đến nay, 90% các KCN đang hoạt động đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung. 10% còn lại chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng tất cả nước thải đều được xử lý trước khi xả thải, đảm bảo quy định và yêu cầu về môi trường.

Bên cạnh các kết quả đạt được thì việc phát triển các KCN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng mạnh sang nền kinh tế xanh.

Một trong những vấn đề hiện hữu đối với các KCN, KKT hiện nay là sự phát triển thiếu đồng bộ, gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN… Đây là những yếu tố tạo ra những thách thức đối với cộng đồng, làm giảm sức cạnh tranh cũng như ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Từ đó đặt ra yêu cầu và sự cần thiết phải chuyển đổi sang các mô hình KCN sinh thái bền vững.



Những lợi ích của khu công nghiệp sinh thái bền vững

"Việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái đang là đòi hỏi tất yếu tại Việt Nam”, ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ KHĐT, Giám đốc Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu", nhận định tại Hội thảo về nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn (RECP) và Cộng sinh công nghiệp (CSCN) trong KCN sinh thái tổ chức gần đây.

Cần đẩy mạnh khu công nghiệp sinh thái

Với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Bộ KHĐT đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai dự án thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Dự án đã triển khai hỗ trợ thí điểm ở KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).



Đẩy mạnh mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch hơn và nhu cầu CSCN gia tăng là những yếu tố thấy rõ nhất khi các KCN được thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Nhờ đó, lợi ích kinh tế hàng năm của các tỉnh có các KCN thí điểm cũng như lợi ích về môi trường đều cải thiện rõ rệt. Đơn cử, việc tham gia áp dụng các biện pháp kỹ thuật sử dụng RECP trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiết kiệm trên 17.800 Mwh điện, trên 429.000 m3 nước sạch tiêu thụ (tương đương với đó là giảm lượng nước thải) mỗi năm; giảm trên 24.800 tấn khí thải CO2, giảm hàng nghìn tấn hóa chất và chất thải rắn…

CSCN chính là tiền đề cho việc hình thành và phát triển các KCN sinh thái. Theo ông Alessandro Flammini - Điều phối viên Dự án UNIDO, KCN sinh thái cho thấy hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao hơn, hấp dẫn đầu tư hơn và có khả năng chống chịu rủi ro cao hơn. "Như vậy, việc phát triển mô hình KCN sinh thái vừa giảm thiểu rủi ro về môi trường, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, ban quản lý KCN, cộng đồng địa phương và rộng lớn hơn là cả nền kinh tế”, chuyên gia này khẳng định.

Với những thành công trong dự án thí điểm 2015-2019 và kỳ vọng giúp Việt Nam cải thiện hơn nữa hiệu quả môi trường, hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững nên SECO (đơn vị tài trợ), UNIDO và Bộ KHĐT đã tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" giai đoạn 2020 - 2023 với các KCN thí điểm lần này là Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Deep C (Hải Phòng); đồng thời tiếp tục hỗ trợ thực hiện các giải pháp thúc đẩy CSCN tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ)

Ông Lê Thành Quân cho biết, mục tiêu của dự án là thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan. Tuy nhiên vị này nhấn mạnh: "Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan”.

Sản xuất công nghiệp mang tính cộng sinh, tuần hoàn là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc với doanh nghiệp trong các KCN khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Mô hình KCN sinh thái được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015-2019 tại 3 KCN và giai đoạn 2 từ năm 2020 tại 3 KCN nữa, tổng cộng là 6 KCN. Đây là con số quá nhỏ so với tổng số gần 400 KCN tại Việt Nam. Theo đó, ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT – cho rằng: Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các nỗ lực về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Theo Nhật Minh/scp.gov.vn

Tags khu công nghiệp sinh thái phát triển bền vững xanh hóa

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục