Lộ diện 5 tỉnh thành triển khai khu công nghiệp sinh thái (EIP)

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/2/2024 | 11:27:24 AM

QLMT - Dự án "Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, đang được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2024 tại 5 tỉnh, thành.

Mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án "Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, đang được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2024.

Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 USD trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1.683.000 USD từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Cụ thể, Dự án với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước từ Đà Nẵng, Cần Thơ trong giai đoạn thí điểm, đến Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.

Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới. Thông qua 2 hợp phần với các nội dung chính: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái và (ii) Triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường thành KCN sinh thái, Dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng nền tảng thông tin, kỹ thuật để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN thông thường thành KCN sinh thái.

Thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp, từ năm 1991 đến nay, hệ thống các KCN đã phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, là động lực quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...

Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ như: Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định việc phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái (EIP) đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu năm 2022, KCN VSIP III (tỉnh Bình Dương) được khởi công. Dự án có vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 1.000ha tại xã Hội Nghĩa, TP Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên.

Đây là KCN thế hệ thứ 3, được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động - từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh. Việc sử dụng nhiều thiết bị giám sát theo thời gian thực để theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất từ xa, tăng cường giám sát trực quan trước các hoạt động giúp KCN này trở nên an toàn, hiệu quả hơn với nhà sản xuất và người lao động.


Mô hình Khu công nghiệp VSIP III tại tỉnh Bình Dương

KCN VSIP III vừa khởi công đã đón nhiều "đại bàng" đến "làm tổ". Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) với dự án trên 1,3 tỉ USD. Đây là 1 trong 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Bình Dương tính đến thời điểm này. "LEGO chọn VSIP III vì Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện hợp tác với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm đầu tư chất lượng cao. Đây là một trong những yếu tố giúp LEGO đưa ra quyết định xây dựng tại Việt Nam" - dẫn lời ông Carsten Rasmussen, Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO.

Tập đoàn LEGO khẳng định đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của LEGO được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện môi trường. Mục tiêu đặt ra là không có khí thải carbon, nguồn điện sử dụng hoạt động nhà máy là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay cạnh nhà máy.

Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, cho biết để hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển EIP, Ngân hàng Thế giới đã khởi xướng một dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển EIP được lựa chọn trên cả nước. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và chính quyền các tỉnh trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường cho các ngành sản xuất thông qua việc thành lập các EIP, Becamex IDC và tỉnh Bình Dương được chọn là đối tác chính cho dự án này.

Theo bà Nah Yoon Shin, bằng cách thiết lập EIP được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư hàng đầu. Việc triển khai EIP cũng giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử carbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và KCN.

Ngoài 29 KCN hiện hữu, hiện tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400ha tại huyện Bàu Bàng và mở rộng các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường. Song song đó là nghiên cứu phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, EIP, KCN đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết tỉnh đã tiếp cận các tiêu chí EIP của thế giới và cách thực hiện của những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc để định hình khung chính sách, bộ tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn số, doanh nghiệp cộng sinh, xử lý khí CO2. Đây là xu thế toàn cầu và nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã tự chuyển đổi.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, nhìn nhận: "Mô hình EIP đang là xu thế tất yếu để tăng sự cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Bình Dương càng cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo".

AN NA (T/h)

Tags khu công nghiệp sinh thái EIP Đà Nẵng Cần Thơ Hải Phòng Đồng Nai thành phố Hồ Chí Minh

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục