Đồng Nai: Các khu công nghiệp hướng đến sản xuất xanh, bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2024 | 2:22:36 PM

QLMT - Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang tái cấu trúc kinh tế, hướng đến sản xuất xanh, bền vững, do đó yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói chung, tại các khu công nghiệp nói riêng.

Mới đây, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-KCNĐN về việc thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại các KCN Đồng Nai.

Theo đó, các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, các DN trong KCN quán triệt các bộ phận, phòng, ban và người lao động gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày. Người đại diện theo pháp luật, cán bộ, nhân viên chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường trong DN, tổ chức hoạt động trong KCN tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.

Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, các nhiệm vụ quan trọng đối với Đồng Nai cũng như các DN hiện nay là phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hạn chế thấp nhất phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. DN được khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường; phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Đối với các DN, nhiều đơn vị đang nỗ lực để hướng tới xanh hóa sản xuất. Đơn cử như Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nestlé đã đầu tư vào Đồng Nai 3 nhà máy sản xuất cà phê và sản phẩm nước uống dinh dưỡng. Hiện nay, tất cả bã cà phê được tái sử dụng làm chất đốt vận hành lò hơi, chất thải từ lò hơi tiếp tục được tái chế trở thành gạch không nung và phân bón hữu cơ. Mô hình này được đánh giá là giúp DN giảm phát thải được gần 12,7 ngàn tấn CO2/năm. DN cũng thay ống hút nhựa bằng ống giấy, 94% bao bì có thể tái chế, giảm tỷ lệ nhựa nguyên sinh, không phát thải chôn lấp.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra một khu xử lý nước thải tại một khu công nghiệp ở H.Nhơn Trạch. Ảnh: Báo Đồng Nai

Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, tính đến nay, trong 33 KCN được thành lập thì có 31 khu đã thu hút dự án đầu tư và đi vào hoạt động về cơ bản xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Hiện tổng công suất thiết kế nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn tỉnh được nâng lên 205,8 ngàn m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, có 25 KCN được lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động. Các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh đang hoạt động tương đối tốt với sự giám sát của Ban quản lý các KCN và sở, ngành liên quan.

Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2025, tỷ lệ giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu so với năm 2020 của các DN trong KCN hoạt động trên lĩnh vực dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát và giấy từ 5-8%, đến năm 2030 giảm từ 7-10%.

Tới tháng 11-2023, vẫn còn 6 KCN chưa lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động, 9 trường hợp khác thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống này cũng chưa thực hiện vì chưa hết thời hạn. Tại các KCN cũng còn 11 DN đang hoạt động chưa đấu nối nước thải về khu xử lý tập trung. Có 17/50 cơ sở chưa lắp quan trắc tự động khí thải. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, mặc dù tỷ lệ thu gom đạt cao nhưng phần nhiều chở đi nơi khác xử lý.

Vấn đề xử lý môi trường luôn là điểm nóng đối với bất kỳ mỗi KCN nào, điều này đòi hỏi sự nỗ lực chung của các cơ quan quản lý cũng như đối với từng chủ đầu tư hạ tầng KCN và các DN sản xuất, kinh doanh thứ cấp.

Khi đi kiểm tra thực địa tại một số KCN trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định các dự án thu hút đầu tư vào Đồng Nai phải xác định là những dự án đẳng cấp. Do đó, tại các KCN phải nâng cao tính sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư, nhất là những hạ tầng liên quan như: giao thông, điện, nước, xử lý nước thải.

Tại KCN Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành), chủ đầu tư cho hay, đã thu hút được 54 nhà máy, tỷ lệ lấp đầy 72,5%. DN đang triển khai quỹ đất sạch cho năm 2024 với phần diện tích còn lại với định hướng thu hút các ngành có chọn lọc, phù hợp chủ trương của tỉnh, vốn đầu tư lớn và ít thâm dụng lao động.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển VRG Long Thành, chủ đầu tư KCN Lộc An - Bình Sơn chia sẻ, đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện, nâng chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường giao thông; thoát nước mưa, nước thải; cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc và điện chiếu sáng trong thời gian sắp tới.

TRÂM ANH

Tags Đồng Nai khu công nghiệp sản xuất xanh bền vững

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục