Năm 2023, các khu công nghiệp Hà Nội thu hút 613 triệu USD vốn đầu tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/12/2023 | 4:34:49 PM

QLMT - Tối 19/12, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với nhà đầu tư trong các khu công nghiệp Hà Nội năm 2023.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả phát triển các KCN Hà Nội trong năm 2023, đặc biệt là công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn TP. Hà Nội một năm qua; đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2024.

Đến dự Hội nghị, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có có ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Cục, Vụ của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Về phía TP. Hà Nội có đại diện các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có KCN trên địa bàn TP. Hà Nội; lãnh đạo Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cùng đại diện các phòng chức năng trong Ban Quản lý; hơn 100 nhà đầu tư trong các KCN trên địa bàn TP. Hà Nội; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình ở Trung ương và Hà Nội đến dự và đưa tin.

Ông Lê Quang Long, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Ông Lê Quang Long, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, trong năm 2023, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch thành phố xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các gian hàng, hội chợ quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp; làm việc với các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các khu công nghiệp. Đồng thời, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Với những nỗ lực trên, tính đến tháng 12-2023, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư được 10 dự án mới (5 dự án trong nước vốn đăng ký 491 tỷ đồng, 5 dự án FDI vốn đăng ký 170 triệu USD); 20 dự án mở rộng (vốn đầu tư tăng 137,6 triệu USD và 6.905 tỷ đồng). Lũy kế năm 2023, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư được 613 triệu USD quy đổi, tăng 71,16% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của Thủ đô, mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước; các ngành đều có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao…

"Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện tốt. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Trong năm, Ban Quản lý đã tiếp nhận và xử lý 6.462 văn bản đến; đẩy mạnh áp dụng ứng dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dụng của Chính phủ trong công tác phát hành văn bản theo chỉ đạo của UBND thành phố, 100% các văn bản xử lý theo đúng quy định trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc điện tử…”, ông Lê Quang Long thông tin.

Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng. Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, trong đó, Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như: Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…

AN NA

Tags Hà Nội Hội nghị xúc tiến đầu tư khu công nghiệp Hà Nội

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục