Một góc thành phố Hải Phòng
Theo đó, phạm vi, ranh giới Quy hoạch TP. Hải Phòng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thành phố Hải Phòng và phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch gồm: Xây dựng TP. Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Đồng thời, xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Về phương án tổ chức hoạt động – kinh tế xã hội, quy hoạch định hướng tổ chức theo mô hình không gian phát triển "Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các vành đai kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của thành phố, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.
Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.
Trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics, công nghiệp, thương mại, tài chính (gắn với các Khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, đô thị mới....).
Trung tâm đô thị lịch sử (thương mại, du lịch...) được chỉnh trang bảo tồn, tôn tạo các không gian, các công trình kiến trúc có giá trị cao, tạo dựng được bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử.
Trung tâm hành chính - chính trị tập trung tại khu đô thị mới (Bắc sông Cấm).
Trung tâm du lịch biển tại Đồ Sơn, Cát Bà....
Bên cạnh đó, hình thành trung tâm đô thị mới khu vực Nam Đồ Sơn. Xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các khu đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường nối với tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu vực quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và Cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.
Về phương án phát triển các khu chức năng, mở rộng không gian khu kinh tế ven biển trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố, là trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha.
Tập trung phát triển 14 khu công nghiệp đã thành lập theo hướng đồng bộ, thông minh, sinh thái cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thành lập mới 20 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.700ha. Đồng thời phát triển 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.150ha, đảm bảo sử dụng nguồn lực đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất gắn liền với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với kinh tế hàng hải nhằm thu hút tổ chức và đội ngũ chuyên gia hàng hải đẳng cấp quốc tế. Xây dựng Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Trung tâm R&D về công nghệ thông tin - phần mềm smart city (đô thị thông minh); Xây dựng mới các trung tâm R&D nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao ở các khu vực như: Bắc sông Cấm, Nam Đình Vũ, Văn Úc, Tiên Lãng,...
BẢO MY