Phát triển năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/11/2023 | 11:18:12 AM

QLMT - Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư CME Solar triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại Khu Công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ, Hải Phòng.

Ngày 9/11/2023 tại Hải Phòng, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư CME Solar triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại Khu Công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Đây là chủ trương chiến lược của Sao Đỏ nhằm tăng năng lực cạnh tranh cũng như xây dựng, phát triển KCN Nam Đình Vũ theo hướng xanh, bền vững.


Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ ký kết hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư CME Solar triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái

Theo bản ký kết, phía Công ty cổ phần đầu tư CME Solar sẽ khảo sát và đầu tư lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên các mái của các nhà máy, xưởng sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp để sản xuất điện mặt trời nhằm cung cấp lại cho chính các nhà máy, nhà xưởng đó.

Khu công nghiệp Nam Đình Vũ hiện đã thu hút được hàng chục nhà đầu tư thứ cấp, diện tích các mái nhà xưởng trong khu công nghiệp lên tới hàng trăm ngàn m2. Theo tính toán sơ bộ, nơi đây hàng năm có thể sản xuất ra hàng trăm MW điện năng từ việc tái tạo năng lượng mặt trời.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Chủ tịch CME Group, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có diện tích lớn do vậy có rất nhiều nhà máy được xây dựng tập trung rất thuận lợi cho việc thi công lắp đặt hệ thống cũng như tiết kiệm được hệ thống dây dẫn, đấu nối. Bên cạnh đó, với việc sở hữu vị trí nằm gần cửa biển nên sẽ đón được nhiều ánh sáng mặt trời do vậy việc sản xuất điện năng sẽ ổn định hơn.

Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu của toàn cầu, do vậy các doanh nghiệp Viêt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Đặc biệt, sắp tới châu Âu, Mỹ, sẽ áp thuế carbon đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, nên việc đầu tư sản xuất năng lượng mặt trời tại Nam Đình Vũ không những giúp khu công nghiệp nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư mà còn giúp các nhà đầu tư thứ cấp tại đây dễ dàng hơn trong việc cung cấp sản phẩm của mình vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sao Đỏ (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ), cho biết với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Nam Đình Vũ tiếp cận và sử dụng nguồn điện sạch với chi phí rẻ hơn, đồng thời giảm tối đa lượng phát thải từ khu công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ trong lộ trình đưa phát thải ròng về "0”.

Được biết, sau năm 2025 rất nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ra điều kiện cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi thì ít nhất sẽ phải chuyển đổi và loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch trong quá trình sản xuất. Theo thỏa thuận chung tại Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu và những thỏa thuận quốc tế khác về khí thải nhà kính, các quốc gia cần thực hiện việc cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường.

Theo đó, mỗi công ty, nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.

"Trong thời gian tới, khi thị trường tín chỉ carbon mở cửa, việc đầu tư sản xuất năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ còn giúp các nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận do sẽ giảm thiểu được tối đa chi phí tài chính cho việc mua tín chỉ carbon”, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Sao Đỏ, nhấn mạnh.

DUY ANH

Tags điện mặt trời áp mái năng lượng tái tạo khu công nghiệp hợp tác Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ CME Solar

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục