Xử lý ô nhiễm môi trường còn bất cập
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được quan tâm và tăng cường...
Tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế cần sớm tháo gỡ như việc triển khai các dự án khu xử lý chất thải tập trung còn chậm, nhiều làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng đã thực hiện một số giải pháp giảm thiểu nhưng chưa hoàn thành xử lý triệt để.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng chưa được giải quyết triệt để, hiệu quả. Thị xã Mỹ Hào và các đô thị loại V chưa có công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu.
Nguyên nhân chính là do chậm triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, di dời hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về công tác thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường hồi tháng 9 vừa qua
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa thường xuyên, kịp thời; chưa quyết liệt trong kiểm tra, trinh sát, phát hiện và xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, nhất là các hành vi xả rác thải, nước thải của cá nhân, hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, dù tỉnh Hưng Yên thực hiện giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc xả chất thải từ các nguồn thải lớn như tại khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Từ năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã lập danh sách 256 lượt cơ sở xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các làng nghề được định kỳ lấy mẫu môi trường của các cơ sở với tần suất từ 1 - 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật (năm 2022 lập danh sách 32 cơ sở xả thải lớn).
Chú trọng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp
Ông Nguyễn Lê Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các quản lý Nhà nước tại các khu, cụm công nghiệp và các dự án sản xuất riêng lẻ.
Đặc biệt là việc tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp, nhà chủ đầu tư tập trung hơn nữa trong việc đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sống của người dân.
Tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch với tổng diện tích gần 4.400ha.
Khu công nghiệp Yên Mỹ, Hưng Yên
Trong đó, có 8 khu công nghiệp đã tiếp nhận các dự án đầu tư, 9 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động, chưa tiếp nhận dự án.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã có 7 khu công nghiệp tiếp nhận dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 8 khu công nghiệp đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Về đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với hệ thống thu gom thoát nước mưa; thu gom xử lý nước thải, cấp nước cây xanh.
Tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; trong đó quy định các doanh nghiệp xả nước thải có lưu lượng trên 100 m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động.
Đến nay, tất cả các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có công trình xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; các dự án đầu tư vào tỉnh Hưng Yên đã được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới, các khu, cụm công nghiệp sẽ phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường và đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp.
Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường giám sát môi trường các khu, cụm công nghiệp; cơ sở phát sinh chất thải lớn; nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra nước thải, khí thải tự động của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc môi trường nước mặt. Đồng thời, hỗ trợ, đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt.../.
Khánh My/tuoitrethudo.com.vn