Đồng Tháp: Phát triển cụm công nghiệp góp phần hiện đại hóa công nghiệp nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/10/2023 | 2:47:43 PM

QLMT - Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chính sách phù hợp, nhằm phát triển các cụm công nghiệp (CCN), từ đó thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp...



Công tác quy hoạch đầu tư phát triển CCN thời gian qua đã tạo mặt bằng và cơ sở hạ tầng sẵn có, thuận lợi cho hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, đồng thời giúp các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ổn định, góp phần hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển và có đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương.

Thực hiện Kết luận số 248-KL/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh. Công tác hỗ trợ, gặp gỡ doanh nghiệp được quan tâm hàng đầu và giải quyết được nhiều khó khăn để doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Hoạt động khuyến công diễn ra mạnh mẽ thông qua Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; Chương trình nâng cao năng lực quản lý; Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Chương trình cung cấp thông tin tuyên truyền. Chuẩn bị triển khai thực hiện dự án đầu tư Xây dựng Không gian khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp.

Tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết ngành, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định, gắn kết lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Hình thành và phát triển CCN đã tạo điều kiện cho tập trung sản xuất, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, đồng thời kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, góp phần làm tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 2010) giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 66.320 tỷ đồng, tăng 7,53%/năm thu hút trên 30.000 lao động. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 13,79% so với năm 2021. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 66.192 tỷ đồng, tăng 11,63% so với năm 2021 và tăng 4,63% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành công nghiệp ước đạt 12,10% so với năm 2021. Theo đó, hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có sản lượng sản xuất tăng cao so với năm trước. Tính chung năm 2022, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 12,95%.

Qua đó, cho thấy sự hình thành và phát triển các CCN có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ. Ðặc biệt tại địa bàn nông thôn, CCN đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 16 CCN được thành lập, với tổng diện tích 589 ha; trong đó có 13 CCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 404 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 222,73ha đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 81,62%; Hiệu quả sử dụng đất bình quân 61,5%; thu hút được 64 dự án của 47 doanh nghiệp đăng ký, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.700 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 16.200 lao động.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự tác động của chính sách khuyến khích phát triển CCN thông qua Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN; Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020 của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.


Nhà máy chế biến thuỷ sản tại CCN Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh

Về tổ chức thực hiện quy chế quản lý CCN

Ngày 11/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và ngày 16/11/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 508/2022/QĐ-UBND-HC về quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND).

Về cơ chế chính sách

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách quản lý CCN của Trung ương (Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP, các chính sách về thuế, đất đai…), tỉnh Đồng Tháp còn ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 231/2019 /NQ-HĐND ngày 02/4/ 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp). Hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu vận dụng thực hiện theo các quy định của Trung ương về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chuyển mục đích sử dụng đất… Riêng địa phương đẩy mạnh thực hiện các cơ chế nhanh gọn về thủ tục hành chính, tiếp cận thân thiện với nhà đầu tư để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận nhanh mặt bằng, sớm triển khai các dự án đầu tư và hỗ trợ đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng một số cụm trọng điểm.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã được Trung ương hỗ trợ 36,9 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật (CCN Mỹ Hiệp 2,5 tỷ đồng; CCN Bắc Sông Xáng 5,0 tỷ đồng; CCN Cái Tàu hạ - An Nhơn 2,0 tỷ đồng và CCN Tân Lập 27,4 tỷ đồng), tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất tại địa phương. Nhìn chung, sự hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương đã giúp địa phương tháo gỡ phần nào khó khăn về vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Một số khó khăn, thách thức

Công tác quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển CCN thời gian qua, còn có những khó khăn, hạn chế nhất định trong thực hiện, cụ thể: Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1317/QĐ-UBND.HC ngày 11/11/2016 của UBND tỉnh Đồng Tháp, trong đó có 30 CCN, với tổng diện tích 1.290 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 16 CCN được thành lập, với tổng diện tích 589 ha, còn lại 14 CCN chưa thành lập, với tổng diện tích khoảng 700 ha. Hiện có 07/16 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng, đầu tư trọn gói nên tự quản lý toàn cụm, với tổng diện tích 217 ha. Còn lại 09/16 CCN với tổng diện tích 372 ha, do Nhà nước (UBND cấp huyện) làm đầu tư hạ tầng và giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Ban quản lý dự án của địa phương theo dõi quản lý; 01 huyện đã thành lập Trung tâm phát triển CCN để trực tiếp quản lý CCN do địa phương đầu tư hạ tầng, nhưng do mô hình hoạt động còn mới mẻ và gặp nhiều khó khăn về kinh phí và đã giải thể, nên việc chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng CCN chưa thực hiện được.

Định hướng phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình, giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn; đề xuất danh mục các sản phẩm thân thiện với môi trường được ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để đưa vào hoạt động; rà soát, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và thành lập mới một số khu, cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư sản xuất kinh doanh công nghiệp. Kiến nghị Trung ương chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu làm cơ sở lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu.

Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đã tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát triển 32 CCN, với tổng diện tích 1.623 ha, gồm 13 CCN hiện hữu và 19 CCN mới (giai đoạn đến năm 2020 đã thành lập 13 CCN, diện tích 443 ha; giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung 07 CCN, diện tích 382 ha; giai đoạn 2026 - 2030 bổ sung 06 CCN, diện tích 379 ha; giai đoạn 2030 - 2050 bổ sung 06 CCN, diện tích 419,0 ha).

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát triển 32 CCN, với tổng diện tích 1.623 ha, gồm 13 CCN hiện hữu và 19 CCN mới; giai đoạn đến năm 2020 đã thành lập 13 CCN, diện tích 443 ha; giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung 07 CCN, diện tích 382 ha; giai đoạn 2026 - 2030 bổ sung 06 CCN, diện tích 379 ha; giai đoạn 2030 - 2050 bổ sung 06 CCN, diện tích 419,0 ha./.

NGỌC ANH

Tags Đồng Tháp cụm công nghiệp công nghiệp nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục