Thủ phủ công nghiệp xanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/10/2023 | 4:14:00 PM

Trong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh, sinh thái.

Bình Dương sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Nâng cấp mô hình

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết những năm gần đây, địa phương này luôn là một trong các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút gần 1,3 tỉ USD vốn FDI. Lũy kế đến ngày 15-9, Bình Dương có hơn 4.160 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỉ USD - đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP HCM.

Kết quả phát triển kinh tế ấn tượng đã giúp Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người năm 2021 với 7,12 triệu đồng/tháng, cao hơn cả TP HCM (6,008 triệu đồng) và Hà Nội (6 triệu đồng).


Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương khảo sát dự án của Tập đoàn LEGO tại KCN VSIP III. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới

Theo ông Võ Văn Minh, việc trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước, đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao đã đặt Bình Dương trước nhiều thách thức phải đương đầu và vượt qua. Tỉnh xác định bài toán cần phải giải không chỉ là vấn đề năng suất lao động, phát triển kinh tế mà còn là việc phát triển bền vững, bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, đô thị hóa, hội nhập phát triển...

Ông Võ Văn Minh cho rằng Bình Dương cần phải vượt qua được 6 "cái bẫy", cũng là 6 trụ cột. Theo đó, vượt bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển kế thừa; vượt bẫy năng suất lao động tổng hợp thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; vượt bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; vượt bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững; vượt bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương và vượt bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển bao trùm, đồng đều.

"Sáu trụ cột này sẽ luôn bao hàm khi thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Minh cho biết với trụ cột thứ hai, Bình Dương xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh. Việc này là nhằm từng bước rời xa vấn đề thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai thông qua chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển công nghiệp tiếp theo, với 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững. Bình Dương sẽ xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu trở thành các KCN thông minh. Các KCN này có khả năng cung cấp những nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data..., giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của tỉnh một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động, thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Giai đoạn 2 là mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ. Bình Dương sẽ xây dựng các KCN gắn liền với khoa học công nghệ, thu hút các viện, trường, hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Công ty TNHH ECCO Việt Nam (100% vốn Đan Mạch; KCN Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong việc chuyển đổi sang công nghiệp xanh, sinh thái bền vững ở Bình Dương.

Ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc ECCO Việt Nam, cho biết kế hoạch này đã được công ty đưa ra và đang từng bước hoàn thiện. Trước mắt, DN sử dụng điện năng lượng mặt trời tại nhà máy, tiếp đến là tái sử dụng nước mưa và trang bị trạm sạc điện cho một số phương tiện dùng điện. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch chuyển đổi máy móc sang tự động hóa, giảm nhân công, giảm rác thải ra môi trường…


Một góc Khu Công nghiệp VSP II ở tỉnh Bình Dương

"Việc chuyển đổi này không ảnh hưởng nhiều tới tài chính của DN. Bởi lẽ, trong hoạt động sản xuất, DN đã áp dụng quy trình Lead (thể hiện sự cam kết về thời gian sản xuất, giao nhận…), dù chi phí tăng lên 10% nhưng so với sự phát triển dài hạn lại tốt cho môi trường và DN, con người nên không đáng bao nhiêu" - ông Falter nhận xét.

Theo Tổng Giám đốc ECCO Việt Nam, trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi sang công nghiệp xanh, sinh thái, DN luôn được nhà đầu tư KCN là Tổng Công ty Becamex IDC hỗ trợ. Becamex đã tạo điều kiện tốt nhất để công việc diễn ra trôi chảy, theo đúng lộ trình mà công ty đã vạch ra.

Đề cập việc chuyển đổi tích cực này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho hay khi Nghị định 35/2022 về quản lý KCN và khu kinh tế đặt vấn đề EIP (sinh thái), đơn vị rất mừng. "Lâu nay, nhà nước chưa quy định việc này cụ thể. Trước nhu cầu của DN và người dân, chúng tôi đã đặt vấn đề này với các công ty và mạnh dạn đầu tư, bởi đây là xu thế của thế giới" - ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định tiêu chí công nghiệp xanh, sinh thái đều liên quan các KCN của Becamex. Theo ông, DN cần phải thay đổi theo trào lưu, xu hướng, yêu cầu mới của thế giới. Bởi lẽ, các mặt hàng của DN khi ra thị trường đòi hỏi phải có tính bền vững, mang tính tuần hoàn.

Con đường phải đi

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đã và đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các KCN, đô thị xanh, thông minh, bền vững, tiến tới kiến tạo KCN gắn liền với khoa học công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao.

Bình Dương còn nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang tự động hóa, quy trình thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp...

Theo ông Mai Hùng Dũng, Bình Dương đã định hình những giai đoạn phát triển KCN, đồng thời nghiên cứu đầu tư các KCN sinh thái. Để thực hiện điều này, tỉnh đã giao Tổng Công ty Becamex IDC phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu những chính sách, tiêu chí của các KCN sinh thái, cách thức đầu tư và tiếp cận.

"Bình Dương đã tiếp cận theo các tiêu chí KCN sinh thái của thế giới và cách thực hiện của những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… để định hình khung chính sách, bộ tiêu chí… về tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn số, DN cộng sinh, xử lý khí CO2..." - ông Mai Hùng Dũng tin tưởng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng đây là xu thế toàn cầu. Nhiều DN ở Bình Dương đã tự chuyển đổi và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng các tiêu chí liên quan. Tuy nhiên, cái gì mới thường rất khó thực hiện nên đòi hỏi phải có sự cộng tác từ nhiều phía; cần ban hành khung chính sách, pháp lý; cùng với sự đồng tình của DN và chủ đầu tư thì mới làm được.

Ông Mai Hùng Dũng phân tích: "Khi chuyển đổi sang KCN xanh, sinh thái, chắc chắn Bình Dương phải tốn một khoản tiền đầu tư ban đầu. Thế nhưng, về lâu dài, những KCN vừa sinh thái vừa hiện đại sẽ hình thành, đóng góp nhiều cho thế hệ mai sau".

Cứu lấy chính mình

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng việc chuyển đổi sang KCN sinh thái là xu thế. Đáng lẽ ngay từ đầu, chúng ta phải làm như thế nhưng lúc đó còn nghèo, chú trọng hiệu quả vật chất chứ chưa quan tâm nhiều đến sinh thái, đến lúc này mới chuyển đổi là hơi muộn.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam rất đáng báo động. Vì vậy, đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu của đất nước cũng như địa phương. Hiệu quả kinh tế cũng phải đánh giá cùng tiêu chí bảo vệ môi trường.

"Tôi rất ủng hộ Bình Dương, mong rằng đây là chủ trương chung của cả nước và các địa phương khác cùng làm. Hãy cứu lấy trái đất và cứu lấy chính mình" - nguyên Chủ tịch nước nhấn mạnh./.

Theo Nguyên Thảo/nld.com.vn

Tags công nghiệp xanh Bình Dương khu công nghiệp thông minh khu công nghiệp sinh thái

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục