Bình Dương: Nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu thành sinh thái và bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2023 | 8:58:28 AM

QLMT - Để tiếp tục giữ vững sức hút đối với nhà đầu tư thời gian tới, Bình Dương sẽ nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, đồng thời quy hoạch các KCN mới hướng đến hiện đại, sinh thái và bền vững.


Tập đoàn Lego hoàn thành việc trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam, hoàn thành đầu tư các hạng mục để bước vào sản xuất trong năm 2024

Bám sát với Nghị định 35 của Chính phủ, giai đoạn tới, việc xây dựng phát triển các KCN của Bình Dương sẽ chuyên sâu hơn. Từ năm 2020-2025, tập trung triển khai KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng; đồng thời nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN - đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạo dựng mặt bằng sạch

Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua đồ án quy hoạch KCN VSIP III (giai đoạn 2) hơn 800 ha và KCN Cây Trường 700 ha. VSIP III được quy hoạch là KCN tập trung đa ngành nghề, trong đó ưu tiên khai thác các loại hình công nghiệp công nghệ cao, gắn với khu trung tâm dịch vụ. KCN Cây Trường cũng quy hoạch trở thành KCN đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện tại, VSIP III đã lập quy hoạch phân khu xây dựng giai đoạn 1 với diện tích hơn 196 ha, đã thu hút được hơn 30 dự án. Trong đó, phải kể đến dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD.

So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Đến nay, tổng số KCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha. Hiện tại, đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch hơn 12.662 ha. Trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962,81 ha, 1 KCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (KCN Cây Trường) với tổng diện tích 700 ha.

Có thể thấy, quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao (91,45%). Trong giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh để tạo sức hút mới. Do đó, các KCN hiện hữu và mới cần có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.

Cam kết đầu tư "xanh”

Theo dự kiến của Lego, một nhà máy "khổng lồ” trên diện tích 44 ha sẽ chính thức được đi vào hoạt động tại VSIP III vào năm 2024. Đây là một trong những nhà máy đầu tiên của cả nước sẽ đáp ứng 100% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên do Lego đầu tư. Không chỉ vậy, Lego đã cùng với VSIP trồng 50.000 cây xanh để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy. Thời điểm này, Lego cũng đang xúc tiến công tác tuyển dụng để đạt 100 nhân sự vào cuối năm 2023.

Ông Preben Elnef, Tổng Giám đốc Lego Manufacturing Vietnam, cho biết đây là dịp để ghi nhận những tác động tích cực về môi trường và cộng đồng mà Tập đoàn Lego đã đạt được tại Việt Nam, cũng như ghi nhận những bước tiến đáng kể của tập đoàn trong việc xây dựng nhà máy hiện đại và bền vững.

Sau "cú hích” từ Lego, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu và đầu tư các dự án vào Bình Dương ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn. Mới đây, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, ông Rene Piil Perdesen, Chủ tịch phụ trách đối ngoại và chính sách công, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch), cho biết tập đoàn mong muốn tìm hiểu chi tiết hơn về hệ sinh thái công nghiệp và định hướng phát triển sắp tới của tỉnh để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư mới về kho bãi, trung tâm logistics quy mô lớn phục vụ cho việc hoạt động lâu dài ở Bình Dương.

Ông Rene Piil Perdesen, cho biết Tập đoàn Maersk đang nỗ lực giảm thiểu các tác động đến môi trường. Vì vậy tập đoàn cam kết và chú trọng vào các hoạt động phát triển bền vững, tạo các giá trị cho cộng đồng khi đầu tư vào Bình Dương.

AN NA

Tags Bình Dương khu công nghiệp sinh thái VSIP III

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục