Xây dựng luật riêng cho khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/9/2023 | 2:24:13 PM

Với hàng trăm khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và nhiều KCN mới sẽ được thành lập nhưng việc quản lý loại hình này hiện vẫn còn nhiều bất cập. Sự chồng chéo giữa các quy định, chưa có luật riêng đang khiến cho hoạt động của các KCN gặp khó.

Theo chủ đầu tư hạ tầng các KCN, rất cần thiết có luật về KCN để có sự phát triển ổn định hơn.

Nhiều vướng mắc trong quản lý hoạt động

Đến nay, cả nước có 412 KCN, khu chế xuất được thành lập với diện tích hơn 128,6 ngàn ha. Ngoài ra, trên cả nước còn có 26 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích 766 ngàn ha, 18 khu kinh tế ven biển.

Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Loại hình này thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động…

Ngày 6-9, Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến đối với hồ sơ xây dựng luật. Dự thảo Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế đề xuất 6 nhóm chính sách liên quan đến việc lập phương án xây dựng KCN, khu kinh tế trong quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; điều kiện đầu tư hạ tầng KCN; phát triển loại hình KCN, khu kinh tế mới…

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Loại hình này phát triển chậm, cần được đổi mới. Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, khu kinh tế chưa được hoàn thiện, chưa có sự sáng tạo, đột phá để thích ứng với yêu cầu phát triển, tạo hướng đi mới. Điều này gây khó khăn trong quá trình thực thi chính sách, nhất là việc phát triển mô hình mới thường xảy ra xung đột, thiếu thống nhất khi quy định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế.


Ảnh minh hoạ

Cần sớm xây dựng luật riêng để quản lý

Theo Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường, các bất cập, chồng chéo về mặt chính sách đang tạo ra những rào cản cho công tác quản lý nhà nước tại các KCN, khu kinh tế. KCN, khu kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực như: đất đai, môi trường, lao động, quy hoạch, xây dựng, thuế, hải quan… Tuy nhiên, quy định về quản lý có sự khác biệt với các luật, nghị định hướng dẫn thực hiện các luật chuyên ngành. Khi xem xét áp dụng thì căn cứ cuối cùng là luật nên không điều chỉnh được. Bên cạnh đó, việc không có văn bản quy phạm pháp luật cao như luật hay pháp lệnh khiến cho cơ cấu, tổ chức bộ máy của các ban quản lý KCN, khu kinh tế các địa phương không đồng nhất.

Các chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp (DN) và các lĩnh vực liên quan liên tục thay đổi, tính ổn định không cao, còn tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trước những vấn đề nêu trên, cần thiết phải triển khai xây dựng Luật KCN, khu kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển loại hình này, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Về phía chủ đầu tư hạ tầng, Giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai Nguyễn Công Định kiến nghị, khi xây dựng luật cần lưu ý đến các yếu tố tạo thuận lợi cho sự phát triển, hợp tác giữa chủ đầu tư hạ tầng với DN thứ cấp và vùng lân cận. KCN đã có quy hoạch 1/2.000, diện tích nên tách từng lô theo nhu cầu của DN, chứ không nên khống chế diện tích tối thiểu làm hạn chế khả năng tiếp cận đất trong KCN của các DN nhỏ và vừa. Đất công nghiệp không nên chia thành đất nhà máy, xí nghiệp, kho bãi riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, khi xây dựng KCN, cần bố trí đất tái định cư tại chỗ cho người bị thu hồi đất giáp với hành lang diện tích KCN và được cách ly bởi dải cây xanh để người dân thuận lợi trong sinh hoạt và có thể làm việc luôn tại các DN trong KCN mà không phải đi xa.

Theo Văn Gia/Báo Đồng Nai

Tags KCN bất cập xây dựng luật

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục