'Xanh hóa' các khu công nghiệp, bắt nhịp xu hướng ESG

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/9/2023 | 11:08:15 AM

QLMT - ESG - cụm từ viết tắt bởi Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp), là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

ESG tạo xu hướng mới trên thị trường BĐS công nghiệp

ESG - cụm từ viết tắt bởi Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp), là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Khi phát triển xanh ngày càng trở nên cấp thiết, bộ tiêu chí này được coi là kim chỉ nam trong quá trình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có bất động sản (BĐS) khu công nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, yêu cầu từ thị trường đang thúc đẩy các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp sớm thực hiện tiêu chuẩn về ESG. Bởi việc thực hành ESG sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, từ việc tạo ra giá trị kinh tế bền vững, đến những lợi ích lâu dài về thu hút vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn đa quốc gia hay các quỹ đầu tư lớn. 

Là một nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, Việt Nam hiện đang mong muốn thu hút dòng vốn FDI. Do đó, khi xu hướng ESG được đẩy mạnh ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu…, nhu cầu thuê khu công nghiệp đáp ứng được bộ tiêu chí này của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh trong tương lai gần.

Nhận định về xu hướng lựa chọn "nơi làm tổ" của các nhà đầu tư, ông Vadym Sheronov - Giám đốc điều hành tại Việt Nam của công ty tư vấn quản lý dự án và kỹ thuật quốc tế Royal Haskoning DHV - cho rằng: "Ngày càng có nhiều doanh nghiệp coi biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ”. Vì vậy, nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Đây cũng là động lực hình thành những khu công nghiệp định hướng phát triển theo hướng bền vững.

Các yêu cầu về ESG đang trở nên nóng hổi và có tác động trực tiếp đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện tốt bộ tiêu chí ESG sẽ giúp các khu công nghiệp nâng tầm giá trị, ghi điểm với các nhà đầu tư, từ đó thu hút được những khách hàng lớn, có trách nhiệm và giàu tiềm năng.


Ảnh minh hoạ

Phù hợp thực tiễn

Bên cạnh các yếu tố như hiệu suất, tiềm năng, sản phẩm… thì ESG (Environmental, Social và Governance) đã và đang trở thành một điều kiện cần trong kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Trên thực tế, các đối tác nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu đơn vị sản xuất phải đạt chuẩn LEED (Hệ thống đánh giá công trình xanh với định hướng thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường - chuẩn của Hội đồng công trình xanh Mỹ). 

Tại Việt Nam, bức tranh thị trường bất động sản công nghiệp ngày càng rõ nét khi có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm qua. Ngày càng nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED như một số tòa nhà văn phòng: Deutsches Haus, Friendship Tower và President’s Place, Saigon Centre 2 tại TP.HCM; Core5 (Hải Phòng), Logos (Bắc Ninh), RBW tại KCN Phú Tân (Bình Dương), RBW tại KCN Xuyên Á (Long An)…

Là lĩnh vực có tác động lớn về môi trường, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp càng chú trọng đến các tiêu chí xanh như giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường. Hồi đầu tháng 7/2023, Frasers Property Vietnam thông báo Dự án Eco Logistics Centre (Bình Dương) có diện tích hơn 7,5 ha được chứng nhận LEED. Ông Edwin Tan, Phó tổng giám đốc Điều hành Frasers Property Vietnam thông tin rằng so với công trình tương tự thì các giai đoạn thiết kế, xây dựng được triển khai hướng đến việc tiết kiệm tới 25% năng lượng.

Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP TKG Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa) - ông Vũ Đình Quân chia sẻ, doanh nghiệp đã có các giải pháp hướng đến sản xuất xanh, sạch bằng việc thực hiện thay mới các thiết bị, dây chuyền tiêu tốn điện năng bằng thiết bị mới, ít tiêu hao năng lượng. Trong sản xuất, công ty có các chính sách khuyến khích người lao động đóng góp sáng kiến, cải tiến trong sản xuất.

Ông Hoo Swee Loon, Phó tổng giám đốc Le Mont Group đánh giá, phát triển các khu, cụm công nghiệp xanh và thông minh là một hướng đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Nói về xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp theo tiêu chuẩn xanh, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết, chênh lệch giá thuê của các dự án tại khu công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam so với khu công nghiệp chưa đạt là chưa rõ ràng song khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các khu công nghiệp có các yếu tố tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Các tỉnh, địa phương sẽ ngày càng khắt khe hơn và đòi hỏi những dự án hướng tới bảo vệ môi trường, hạn chế thâm dụng nhân lực và tài nguyên, hàm lượng công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata nhìn nhận, nhà đầu tư đến từ những thương hiệu lớn cũng hướng đến những địa điểm đầu tư đáp ứng được tiêu chuẩn về ESG. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo tại tòa nhà văn phòng mà chưa sử dụng nhiều tại các nhà máy - nơi có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn nhất.

Bà Tôn Thị Nhật Giang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KN Holdings cho rằng, còn nhiều vấn đề liên quan tới pháp lý, chính sách đang khiến cho các nhà đầu tư bất động sản vướng mắc nhất là việc phát triển về năng lượng tại các nhà máy. 

Theo ông Hoo Swee Loon, phát triển các dự án bất động sản công nghiệp theo chuẩn ESG vẫn là một xu hướng khá mới do đó, chắc chắn khi thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn như vốn (do mức đầu tư theo chuẩn ESG khá lớn); việc tuân thủ tiêu chuẩn ESG cũng đòi hỏi chủ doanh nghiệp bất động sản phải có sự thay đổi trong tư duy; đo lường và giám sát tiến độ theo chuẩn ESG; khả năng đào tạo và nhân lực cũng là một thách thức lớn trong thực hành ESG. 

Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, các nhà đầu tư quốc tế hiện nay đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn đối tác có cùng các tiêu chuẩn và mục tiêu để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Đây là những lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái trong hoạt động thu hút các nhà đầu tư. Do áp dụng thuế carbon, các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi việc xanh hóa các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư, các khu công nghiệp không thể theo mô hình "may sẵn” (tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút doanh nghiệp đến thuê đất) mà phải chuyển sang "may đo” cho phù hợp với lĩnh vực, tạo hệ sinh thái phát triển bền vững. Hành động này là bước đi quan trọng trong lộ trình dài hơi phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Song song đó là việc cần bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh.

Mặc dù sẽ còn có rất nhiều khó khăn trong việc triển khai và thực hành các dự án khu công nghiệp song thiết nghĩ cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp có thể chọn lộ trình hợp lý để sớm thực hiện. 

BẢO MY (T/h)

Tags xanh hoá các khu công nghiệp xu hướng ESG tiêu chuẩn đo lường

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục