Tại TP.HCM, 17/19 KCN - KCX được thành lập đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê gần 1.900/2.600ha, tỷ lệ lấp đầy 70,57%. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của KCX - KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM; nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM (Hepza), tại 17 KCN - KCX đã đi vào hoạt động có 19 trạm xử lý nước thải tập trung (trong đó KCN Tân Tạo và KCN Hiệp Phước có 2 trạm), tổng công suất thiết kế là 93.500 m3/ngày đêm; công suất vận hành 54.910 m3/ngày đêm. Tất cả các trạm xử lý nước thải tập trung đều có hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu 24/24h về Sở TN&MT.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, đến nay, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN - KCX đã ổn định và kiểm soát được tình hình phát sinh ô nhiễm. Kết quả quan trắc các mẫu nước thải và khí thải trong và xung quanh các KCN - KCX những năm gần đây đều đạt tiêu chuẩn cho phép; công tác thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đều đảm bảo quy định.
Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Quản lý các KCN - KCX TP.HCM cho biết: nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường tại các KCN - KCX, hàng năm, Hepza đã phối hợp tổ chức tuyên tuyền các nội dung về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nước và năng lượng tiết kiệm, nghiên cứu tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu trong quá trình sản xuất, sản xuất bao bì thân thiện môi trường, vật liệu xây dựng xanh và các sản phẩm thân thiện môi trường khác.
Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước; định kỳ điều tra, khảo sát, cập nhật số liệu thống kê, thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn (nguồn phát sinh, khối lượng, thành phần tính chất chất thải, công tác thu gom vận chuyển, tái chế, xử lý các loại chất thải rắn…).
Ngày 19/10/2022, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3563/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho Hepza được tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Hepza còn được giao chuẩn bị nhân lực để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được ủy quyền, thực hiện cơ chế hành chính một cửa tại chỗ để hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động trong KCX, KCN. Theo các doanh nghiệp tại các KCN - KCX, cơ chế "một cửa” tại chỗ trong KCN - KCX đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải đi nhiều cửa trong giải quyết thủ tục về môi trường.
Chuyển đổi mô hình phát triển xanh
Theo ông Lê Quốc Hưng, sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX - KCN tại TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh của giai đoạn đầu, tạo đà cho những bước phát triển ổn định cho TP.HCM và cả nước. Hiện nay, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường ra các khu vực, các doanh nghiệp trong KCN - KCX của thành phố đầu tư phát triển khoa học công nghệ để nâng hiệu quả sản xuất, phát triển theo hướng sinh thái bền vững.
Tuy nhiên, các KCN - KCX cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế như: Hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng đất chưa cao; mô hình tổ chức hoạt động KCX - KCN chậm được đổi mới… Đặc biệt, một số KCN đã hoạt động lâu năm nên hạ tầng môi trường xuống cấp như đường ống thu gom nước thải bị lún sụt, dẫn đến nguy cơ nước thải chưa được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung thoát ra bên ngoài gây ô nhiễm.
Vì vậy, theo ông Hứa Quốc Hưng, lộ trình đến năm 2025, các KCN hiện hữu của TP.HCM sẽ chuyển dần sang KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cũng xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao, bao gồm: Cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Phát biểu tại sự kiện lễ kỉ niệm 30 năm thành lập các KCN - KCX trên địa bàn TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, trước bối cảnh công nghiệp, dịch vụ hiện nay, TP.HCM buộc phải chuyển sang mô hình mới, dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Các KCN - KCX của thành phố phải tập trung cải tiến toàn diện và quyết liệt nhằm loại bỏ các ngành công nghiệp già cỗi, thâm dụng lao động, sử dụng nguyên nhiên liệu, vật liệu có mức phát thải cao... Từ đó, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghệ vật liệu mới.
Theo Nguyễn Quỳnh / Báo TN&MT