Khánh Hòa “trải thảm“ thu hút đầu tư vào công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/4/2023 | 4:10:44 PM

QLMT - Với nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, Khánh Hòa đang được nhiều doanh nghiệp “rót” hàng ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực công nghiệp.




Khánh Hòa cơ hội đầu tư từ tầm nhìn quy hoạch

Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Ngành công nghiệp Khánh Hòa tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có công nghệ ở mức khá, tiên tiến như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản; công nghệ hiện đại như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), đóng tàu, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ.

Hiện tại Khánh Hòa có 2 cụm công nghiệp đã lấp đầy là Đắc Lộc và Diên Phú; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy cao như Khu công nghiệp Suối Dầu 93%, Cụm công nghiệp Trảng É 1 91%, Cụm công nghiệp và chăn nuôi 69%. Riêng Cụm công nghiệp Ninh Xuân, Cụm công nghiệp Diên Thọ đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và Cụm công nghiệp Sông Cầu đang kêu gọi đầu tư.

Theo Tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng của tỉnh là phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin; thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, không thâm dụng lao động, số hóa quy trình.

Cùng với đó, khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển. Cụ thể, tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics tại Nam Vân Phong để phục vụ cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.

Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ quy hoạch hệ thống các khu, cụm công nghiệp hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng xã hội cùng các dịch vụ phục vụ người lao động.

Đặc biệt, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lập đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thành lập.

Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, khu vực phát triển sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp có tổng diện tích khoảng 2.721 ha, gồm các khu hiện có khoảng 496 ha; các khu vực dự kiến phát triển công nghiệp đến năm 2030 khoảng 1.475 ha (Ninh Diêm 3, Vạn Lương, Ninh An, Ninh Diêm, Ninh Thọ); các khu vực dự kiến phát triển công nghiệp đến năm 2040 khoảng 750 ha.

Quyết định trên cũng định hướng giữ nguyên các khu công nghiệp đã hình thành (Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, Khu công nghiệp Ninh Thuỷ), định hướng không gian phát triển công nghiệp, đô thị công nghiệp tại khu vực Vạn Lương, khu vực Ninh Diêm, Ninh Thọ và Ninh An; khu vực phát triển công nghiệp gắn với cảng biển tại Ninh Phước; mở rộng Khu công nghiệp Ninh Thủy...

Ưu tiên dự án công nghệ cao

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, nhằm đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa đẩy mạnh thu hút các dự án hạ tầng khu công nghiệp và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, sắp tới, Khánh Hòa dự kiến ký biên bản ghi nhớ đối với chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng có tổng vốn 1.800 tỷ đồng, Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 tổng vốn 2.600 tỷ đồng, Khu công nghiệp Ninh Sơn 5.300 tỷ đồng, Khu công nghiệp Nam Cam Ranh 5.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các khu công nghiệp ưu tiên phát triển, gồm Khu công nghiệp Suối Dầu, Khu công nghiệp Ninh Thủy (giai đoạn II), Khu công nghiệp Nam Cam Ranh, Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng và Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 (giai đoạn I).

Đồng thời, Khánh Hòa thu hút các dự án sản xuất kinh doanh, phấn đấu lấp đầy 100% Khu công nghiệp Suối Dầu; nâng cao tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Ninh Thủy lên 80 - 90%, Khu công nghiệp Nam Cam Ranh lên 60%; triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ, tập trung thu hút các nhà đầu tư, từng bước lấp đầy Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 (giai đoạn I).

Đặc biệt, nhiều dự án khu công nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa đang được kêu gọi nhà đầu tư như: Khu công nghiệp Ninh Sơn với diện tích 480 ha, Khu công nghiệp Ninh Xuân với diện tích 1.000 ha, Khu công nghiệp Ninh Thọ với diện tích 370 ha, Khu công nghiệp Vạn Lương khoảng 200 ha, Khu công nghiệp Ninh Diêm 1, Khu công nghiệp Ninh Diêm 2…/.

Thanh Chung/baodautu.vn

Tags Khánh Hoà Thu hút đầu tư Công nghiệp

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự