KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) là 1 trong 3 KCN đầu tiên trên cả nước triển khai các hoạt động thí điểm chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái. Theo báo cáo của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, qua 4 năm triển khai thực hiện, tại KCN Hòa Khánh, dự án đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm, giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.
Ban Quản lý cũng đã phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Hàn Quốc, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam tiến hành nhiều đợt đánh giá tiềm năng xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp tại KCN Hòa Khánh. Từ cuối năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thuộc các mạng lưới từng khảo sát đã tạm dừng hoạt động, thay đổi ngành nghề hoặc điều chỉnh quy mô công suất. Tuy nhiên, những kinh nghiệm tính toán hiệu quả cộng sinh mà Dự án để lại vẫn mang tính áp dụng lâu dài.
Nhiều nhà máy tại KCN Hòa Khánh đã đầu tư công nghệ để hướng đến việc sản xuất sạch hơn, hạn chế phát thải ra môi trường
Ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh) cho biết, đơn vị thường xuyên đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. "Hiện nay, mỗi ngày, với khoảng 70 tấn giấy sản xuất thành phẩm, công ty chỉ thải ra trung bình 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng”.
Theo ông Thống, khó khăn mà mỗi doanh nghiệp sản xuất hướng tới nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường chính là tư duy đổi mới và công nghệ. Phải thay đổi tư duy sản xuất từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn và phải mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ.
Nhân rộng các KCN sinh thái
Hiện nay, TP. Đà Nẵng có 6 KCN (1.066,52ha, tỷ lệ lấp đầy gần 90%) đã đi vào hoạt động. Theo Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 có 1 KCN đáp ứng các tiêu chí KCN sinh thái; đồng thời, phát triển tối thiểu 2 KCN sinh thái đến năm 2030.
Theo ông Vũ Quang Hùng - Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, 2 khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi các KCN đã hoạt động hiện nay đáp ứng các tiêu chí của KCN sinh thái là việc cạn quỹ đất, thiếu vùng đệm và giải pháp thu hút doanh nghiệp có khả năng tuần hoàn chất thải để thúc đẩy cộng sinh công nghiệp tại các KCN.
Đối với các KCN đã đi vào hoạt động trước năm 2010 như KCN Hòa Khánh, quỹ đất để bố trí các dự án mới là rất hạn chế. Mặt khác, khoảng cách giữa KCN và khu dân cư không đảm bảo để bố trí khu vực tập kết, xử lý chất thải tập trung. Thực trạng hiện nay, một số doanh nghiệp có khả năng tuần hoàn chất thải nhưng rất khó bố trí trong KCN do quá trình hoạt động phát sinh khí thải, mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.
Ngoài ra, việc tiếp cận vốn vay để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, thân thiện với môi trường còn khó khăn, đòi hỏi nhiều thủ tục; thời gian cũng là trở ngại lớn. Nhiều quỹ tài chính xanh như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh, Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường… đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang từng bước phục hồi, việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiên, Ban Quản lý xác định, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là xu thế tất yếu trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để ảnh hưởng của các KCN đến môi trường tự nhiên và tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do đó, năm 2023, Ban Quản lý sẽ phối hợp với Vụ Quản lý các khu kinh tế thí điểm bộ chỉ số KCN sinh thái nhằm xác định các tiêu chí chưa đạt yêu cầu để sớm đề ra giải pháp thực hiện. Trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường theo ủy quyền của UBND thành phố, Ban Quản lý cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng một số giải pháp sản xuất sạch hơn./.
Lan Anh/Báo TN&MT