Tại diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh vào cuối năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn bền vững chỉ ở các phân khúc cao cấp, nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
Đồng thời, để thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp thì không chỉ khía cạnh môi trường cần được lưu tâm, mà cả khía cạnh xã hội và quản trị đều rất quan trọng. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc phát triển xanh một cách toàn diện là tất yếu.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Hưởng lợi khi chủ động xanh hoá
Trước yêu cầu ngày càng cao và mang tính bắt buộc trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng "xanh hóa” và gặt hái được thành công. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã đầu tư phòng lab để nghiên cứu nguyên liệu xanh và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang xanh một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, TCM cũng thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh để phát triển dòng sản phẩm chính thân thiện với môi trường.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Dệt may Vinatex, ông Lê Tiến Trường cũng cho biết nguyên liệu luôn là khâu đầu thực hiện xanh hóa trước, do đó Vinatex đã tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều đơn vị có tỷ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm tỷ lệ 30 - 35% tổng sản lượng. Đồng thời, các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh.
Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, những chiếc máy nhuộm tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định sử dụng công nghệ tạo nhiệt hoàn toàn từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giảm 50 tấn than đốt lò hơi mỗi ngày. 10% nước thải từ quá trình dệt nhuộm cũng được xử lý để tái sử dụng. "Mục tiêu của chúng tôi từ nay đến năm 2025 sẽ tái tuần hoàn được 50% lượng nước thải. Nước sau khi xử lý sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho sinh hoạt, gia đình”, ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định, cho biết.
Liên quan đến vấn đề "xanh hóa” ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, thực hiện chiến lược xuất khẩu xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp có dấu ấn về lợi thế cạnh tranh đạt được, mà còn tăng cường hiệu suất tài chính. Do đó, các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến thủy sản nên chủ động chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh để nắm giữ những lợi thế này và tăng cường năng lực cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn với những khoản chi "khủng” cho phát triển xanh, thực tế đã có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững. Chẳng hạn như Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong (Hậu Giang) với vòng tuần hoàn của cây lúa. Theo đó, tận dụng nguồn rơm sẵn có tại địa phương chăn nuôi bò thịt, trồng nấm rơm; chất thải của bò và rơm mục sau trồng nấm được phối trộn để nuôi trùn quế; thu hoạch trùn quế dùng làm thức ăn nuôi cá và gia cầm; nước thải nuôi cá cũng được tận thu xử lý để tưới cây...
Hay như mô hình của Công ty cổ phần Phú Tài (Bình Định), phụ phẩm từ cây gỗ được tận dụng làm viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy. Hàng năm, công ty tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ việc tận dụng các phụ phẩm trong chế biến làm chất đốt cho nồi hơi sấy gỗ và doanh thu từ sản xuất viên nén năng lượng, đưa tổng lợi nhuận tăng 2 - 3%...
Những câu chuyện này cho thấy phát triển xanh không nằm ngoài tầm tay của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngành chủ lực xuất khẩu như nông - lâm - thủy sản hoàn toàn có thể bắt đầu hành trình sản xuất xanh, vừa đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu vừa bảo vệ môi trường tại chính địa phương mình...
Theo Lưu Hà/vneconomy.vn