1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm BVMT
- Tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 và Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo thực hiện đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp và toàn thể nhân dân.
Ảnh minh hoạ
- Tiếp tục phát động phong trào toàn dân BVMT, xây dựng các xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, đưa sự nghiệp BVMT là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân.
- Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định.
2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm trong lĩnh vực BVMT. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất đã bị xử phạt nhiều lần nhưng không xây dựng lộ trình khắc phục, không xây dựng vận hành hệ thống xử lý chất thải đạt Quy chuẩn môi trường Việt nam theo quy định. - Sớm ban hành Đề án tăng cường năng lực hệ thống thanh tra chuyên ngành về môi trường từ trung ương đến địa phương.
- Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hoạt động BVMT, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động môi trường và áp dụng các biện pháp kinh tế trong BVMT
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác BVMT, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động BVMT.
- Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội trong công tác BVMT. Tăng cường giám sát, đưa công tác BVMT vào nội dung hoạt động của các khu dân cư trong cộng đồng.
- Khai thác tối đa các nguồn đầu tư từ xã hội cho công tác BVMT. Phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đưa nội dung BVMT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và tiêu chuẩn thi đua khen thưởng.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu phí BVMT theo quy định của Chính phủ, coi đây là một công cụ kinh tế hữu hiệu để tạo nguồn lực quản lý BVMT.
- Áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân thải chất gây ô nhiễm môi trường tại nơi công cộng, các nguồn nước, đặc biệt tại nội thị, khu dân cư các thị trấn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường để thu gom xử lý các loại chất thải. Xem xét việc xây dựng quỹ môi trường để hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT.
- Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA. Quản lý các nguồn vốn đầu tư cho BVMT của tỉnh theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và hiệu quả thấp. Tranh thủ tối đa các nguồn tài chính của Trung ương thông qua các chương trình, dự án ưu tiên về BVMT thực hiện trên địa bàn tỉnh.
4. Tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp BVMT
- Bổ sung cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường; tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường.
- Tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên ngành về BVMT, trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật, kinh phí nhằm đảm bảo cho hoạt động Thanh tra có hiệu lực, hiệu quả.
5. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ BVMT
- Chú trọng công tác BVMT tại khu vực đô thị, khu dân cư, các KCN/CCN, làng nghề, các cơ sở y tế, các khu, điểm du lịch và trong hoạt động khai thác khoáng sản; quan tâm công tác BVMT khu vực nông thôn, miền núi và khu vực các bến, cảng. Tổ chức khoanh vùng, xử lý và cải tạo triệt để các khu vực bị ô nhiễm, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Thực hiện nghiêm các quy định về BVMT trong chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án; Không thu hút đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu, hạn chế thu hút đầu tư các dự án tiêu hao nhiều năng lượng; Kiên quyết không cấp phép hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT theo quy định.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT; tăng cường công tác kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định, nhất là các dự án khai thác khoáng sản và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
- Tổ chức thực hiện thường xuyên, đồng bộ các giải pháp thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn, rác thải đô thị. Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt; Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải; tổ chức lắp đặt camera ở những điểm thường xuyên vi phạm về xả rác thải. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, dự án phân loại, xử lý chất thải, rác thải tại hộ gia đình và theo vùng, khu vực; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa, giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN, khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung có công nghệ hiện đại, đáp ứng việc xử lý rác thải cho toàn tỉnh.
- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời tăng cường kiểm soát không để phát sinh các cơ sơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới hoặc tái gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ làng nghề, hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư; việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
- Đẩy mạnh chuyển dịch các ngành kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; hạn chế các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
6. Các giải pháp cụ thể trong công tác quản lý các KCN, CCN
Về công tác quy hoạch: Cần rà soát quy hoạch các KCN, CCN để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; cần xem xét lại mối quan hệ qua lại giữa quy hoạch phát triển KCN, CCN tại mỗi vùng kinh tế với quy hoạch của các ngành kinh tế - xã hội khác trong vùng; quy hoạch phát triển KCN/CCN tại mỗi vùng cần phù hợp với điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế - xã hội, triển vọng thị trường. Quá trình lập quy hoạch phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và bảo vệ môi trường. Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.
Về thu hút đầu tư: Thu hút đầu tư vào KCN, CCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.
Về cơ chế, chính sách: Rà soát và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phân cấp quản lý môi trường theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền và trách nhiệm trực tiếp về công tác bảo vệ môi trường cho các BQL các KCN. Các BQL phải được trao đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường trong KCN. Ngoài ra, các văn bản cũng cần phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư KCN, CCN với các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong KCN trong công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong KCN, CCN. Nghiên cứu phát triển mô hình KCN, CCN thân thiện với môi trường, trước hết là thí điểm, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh.
Chủ đầu tư KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong KCN. Chủ đầu tư KCN cần bố trí địa điểm và xây dựng các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển các chất thải rắn, chất thải nguy hại từ các doanh nghiệp trong KCN.
Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài. Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.
Về pháp luật môi trường: Rà soát, bổ sung và tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, trong đó hướng dẫn cụ thể, quy định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành, cập nhật các tiêu chuẩn môi trường cho phù hợp với thực tế. Đối với các công trình xử lý chất thải của doanh nghiệp thì cần quy định rõ về tiêu chuẩn, chế độ vận hành để thống nhất thực hiện, đảm bảo được chất lượng của các công trình, nhất là đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN, khắc phục tình trạng vận hành không thường xuyên, công nghệ chưa phù hợp như hiện nay; hướng dẫn quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung.
Về đầu tư vốn: Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư các công trình môi trường của KCN/CCN, bao gồm: vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng (kể cả Quỹ Môi trường), vốn ODA, vốn từ ngân sách nhà nước, trong đó, vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng là chủ yếu.
Ban hành cơ chế, chính sách để tạo cơ sở cho việc hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung các KCN, CCN, xem xét huy động, bố trí nguồn vốn với quy mô thích hợp để thực hiện tín dụng ưu đãi cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đối với việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, cần có những chế tài có tính bắt buộc đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, KCX.
Chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cũng như các doanh nghiệp thứ cấp để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN, KKT; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường các KCN; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
7. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐTM tại các KCN, CCN
- Tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng ĐTM thông qua rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện; hệ thống hóa những tồn tại, khó khăn thách thức, những bài học kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trong thời gian qua.
- Tiến hành sửa đổi các quy định về ĐTM cho cả 3 cấp độ là Luật, Nghị định, Thông tư, trong đó định hướng công tác ĐTM, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức và tiếp cận hài hòa với các quy định quốc tế, cụ thể: (i) Về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng Luật ĐTM riêng như một số nước trên thế giới đã làm; (ii) Sàng lọc, phân chia thành các nhóm dự án tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm, phức tạp về khía cạnh môi trường; từ đó, quy định rõ phạm vi, quy trình, các bước/khâu ĐTM và mức độ chi tiết của báo cáo ĐTM đối với từng nhóm dự án. Đối với các dự án có quy mô lớn, nhạy cảm về môi trường, nên quy định hai bước thực hiện ĐTM: ĐTM sơ bộ để sàng lọc dự án (trên cơ sở vị trí, công suất, công nghệ đề xuất) và ĐTM chi tiết khi có thiết kế của dự án; (iii) Xác định phạm vi về không gian của ĐTM là vùng xem xét, đánh giá hiện trạng, tác động môi trường và không bị giới hạn bởi ranh giới hành chính của dự án; (iv) Nâng cao chất lượng công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ về dự án, về các vấn đề môi trường và xã hội trong quá trình ĐTM; công tác tham vấn cộng đồng thậm chí cần được tiến hành nhiều lần (tối thiểu là 2 lần) đối với nhóm các dự án quy mô lớn, nhạy cảm về môi trường; (v) Quy định rõ phạm vi, vai trò, thời hiệu của văn bản thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM (Quyết định phê duyệt hoặc Giấy phép môi trường hoặc phương án khác); (vi) Nghiên cứu xây dựng các quy định cụ thể đối với việc kiểm tra, giám sát công tác BVMT cho tất cả các giai đoạn của dự án (chuẩn bị, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại, đóng cửa dự án), trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên từ chủ dự án đến các cơ quan quản lý môi trường các cấp và có sự tham gia của chính quyền, nhân dân địa phương; (vii) Xây dựng quy định về kinh phí lập ĐTM, hệ thống chứng chỉ hành nghề dịch vụ ĐTM; (viii) Nghiên cứu cơ chế về ký quỹ BVMT trước khi dự án vận hành thử nghiệm đối với các đầu tư lớn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn rủi ro, sự cố môi trường. Số tiền ký quỹ được xác định trong báo cáo ĐTM; (ix) Đề xuất khung pháp lý để giải quyết cho các trường hợp khi dự án có thay đổi về phạm vi, quy mô, công suất, thời gian tồn tại hay các thay đổi khác của dự án.
- Xây dựng quy trình kỹ thuật ĐTM, đề xuất cấu trúc, nội dung của báo cáo ĐTM cho từng danh mục dự án; Xây dựng quy trình kiểm tra, xác nhận công tác BVMT theo từng giai đoạn của dự án và theo các cấp độ khác nhau; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật thẩm định báo cáo ĐTM, hình thành bộ tiêu chí thẩm định ĐTM thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cần xem mỗi ĐTM là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về các thành phần môi trường vật lý, sinh thái, văn hóa, kinh tế, xã hội; về khoa học dự báo và công nghệ môi trường… Như vậy mỗi ĐTM đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều thành phần chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và được đào tạo bài bản về ĐTM.
- Sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên cơ sở thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững - phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội từ chủ đầu tư cho đến các cấp có thẩm quyền. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học - kỹ thuật - pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án. Theo đó, từng dự án phải được xem xét kỹ các yếu tố chi phí - lợi ích, chẳng hạn như dự án đó sẽ đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, thu hút được bao nhiêu việc làm, tổn thất môi trường khi hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố. Về môi trường và xã hội, cần nghiên cứu, tính toán tính cụ thể các yếu tố: (i) Ô nhiễm, dự báo các rủi ro, sự cố và tác động đến môi trường; (ii) Các chất độc và nguy hại; (iii) Các nơi cư trú tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; (iv) Tài sản văn hóa vật thể; (v) Các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp; (vi) Các nhóm dễ bị tổn thương; (vii) Chiếm dụng đất và tái định cư; (viii) Sức khỏe và an toàn của công nhân.
- Xây dựng các chương trình tăng cường năng lực thẩm định báo cáo ĐTM, đặc biệt cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp tỉnh. Tăng cường công khai thông tin liên quan đến ĐTM thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến các báo cáo ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác hậu kiểm ĐTM và xây dựng các cơ chế cụ thể hơn cho việc giám sát và xử lý các vi phạm môi trường. Bản chất ĐTM là dự báo, do vậy khó có một báo cáo ĐTM chi tiết đến mức dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. Vì vậy, đối với các dự án phức tạp, nhạy cảm về môi trường, cần xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Điều quan trọng là chủ dự án, cơ quan tư vấn, cơ quan thẩm định, lãnh đạo các cấp cần phải nhận diện các vấn đề phức tạp về môi trường của dự án có thể nảy sinh để quyết định phải giám sát đến mức độ nào đối với dự án đó.
PGS.TS Đỗ Văn Dung, TS Phạm Sỹ An
Nguồn: khoahockythuat.ninhbinh.gov.vn