Hà Tĩnh: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2022 | 3:14:21 PM

QLMT - Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả và đồng bộ để thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, xã hội, sự tác động của tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19… song tỉnh Hà Tĩnh đã dành nhiều sự quan tâm trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đại diện doanh nghiệp cắt băng khánh thành Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đại diện doanh nghiệp cắt băng khánh thành Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh

Đến nay, Hà Tĩnh đã có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp. Tại các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh có 189 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó Khu kinh tế Vũng Áng thu hút được 152 dự án (bao gồm: 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD và 96 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 55.234.020 tỷ đồng; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu hút được 27 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 1.644 tỷ đồng và Khu công nghiệp Gia Lách thu hút được 10 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký 826 tỷ đồng. Trong 23 cụm công nghiệp có 20 cụm đã đi vào hoạt động thì có 9 cụm do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, thu hút được 350 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 5.700 tỷ đồng; có 188 dự án đi vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 8.600 lao động; giá trị sản xuất hàng năm đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Một số dự án với quy mô lớn, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh như: Dự án gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, với hơn 11 nghìn lao động trong và ngoài nước, đóng góp ngân sách hàng năm hơn 8.000 tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW; Nhà máy bia Sài Gòn công suất 60 triệu lít/năm; Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (tại thị xã Hồng Lĩnh) công suất 50 triệu lít/năm; Nhà máy gỗ MDF-HDF (tại CCN Vũ Quang) công suất 145.000 m3/năm; Nhà máy may Haivina tại Cụm công nghiệp Nam Hồng giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động; Nhà máy Apparetech tại Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ đã giải quyết việc làm cho 1.500 lao động.  Một số dự án lớn đang triển khai như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Cell pin VINES với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và thương mại công nghệ Pin Lithium, với tổng mức đầu tư gần 6.300 tỷ đồng; Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh (tại Cụm công nghiệp Nam Hồng) với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng…

Tuy vậy,  thời gian qua việc đầu tư phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế do vị trí địa lý của Hà Tĩnh xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn chưa đủ mạnh, nhất là nguồn lực tài chính; số lượng khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng còn nhiều, nguồn ngân sách hỗ trợ chỉ đủ để đầu tư một số hạng mục công trình cơ bản, vì vậy hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp chưa hoàn thiện và đồng bộ, khó khăn trong thu hút đầu tư; các quy định pháp luật về quản lý cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ chưa được hoàn thiện; thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư còn kéo dài nên tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới, để phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về phát triển công nghiệp, trong đó tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững.

Hai là, tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ưu tiên xã hội hóa đầu tư để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm góp phần thu hút các dự án đầu tư, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Ba là, rà soát, trình HĐND tỉnh sửa đổi, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và một số chính sách về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh các hoạt động logistics nhằm tối ưu hóa quy trình và chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục kiến nghị các cơ quan trung ương hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư trước mắt và lâu dài; hạn chế tối đa việc bỏ lỡ cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp, góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; hoàn thiện quy định pháp luật về đất đai để tháo gỡ các vướng mắc về công tác giải phóng  mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, quy định về giá đất... 

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực làm việc để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp nói chung và khu, cụm công nghiệp nói riêng.

Hoàng Văn Quảng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh

Tags Hà Tĩnh phát triển khu công nghiệp thu hút đầu tư

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục