Bà Rịa-Vũng Tàu: Các dự án vào khu công nghiệp phải sử dụng công nghệ sạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/11/2022 | 4:03:46 PM

QLMT - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu tất cả các dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, bảo đảm chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Kiểm soát chặt việc xả thải

Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường do tác động của quá trình phát triển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tập trung kiểm soát chặt việc xả thải của các cơ sở đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là khoảng 45.000m3/ngày đêm. Được biết tất cả 13 khu công nghiệp đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có 4 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 1.350m3/ngày đêm. Tất cả các cụm công nghiệp đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đối với việc kiểm soát các nguồn thải khí thải, các cơ sở thuộc loại hình luyện thép, sản xuất giấy, đạm, xi măng, hóa chất… cũng đã đầu tư trạm quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm Quản lý của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để theo dõi, quản lý; đồng thời, các nhà máy phát sinh khí thải cũng đã đầu tư công trình thu gom, xử lý khí thải theo quy định.

Với chất thải rắn công nghiệp, hiện đang được thu gom, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh xử lý, đồng thời một phần được vận chuyển sang các địa phương khác để xử lý đúng các quy định hiện hành. Đến nay, công tác thống kê, kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã được giám sát theo quy định.


Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, ngành chức năng của Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn; Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu còn tăng cường rà soát, tham mưu điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa các quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường, chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu sàng lọc, ưu tiên lựa chọn các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, ít phát sinh chất thải, kiên quyết không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng công nghệ lạc hậu và tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, tác động lớn đến môi trường...

Bên cạnh đó, tổ chức thẩm định hồ sơ, thủ tục về môi trường một cách chặt chẽ, chính xác, có hiệu quả; tăng cường thanh, kiểm tra sau khi dự án đi vào hoạt động, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ giám sát cộng đồng trong việc kịp thời phát hiện việc xả thải không đúng quy định của các doanh nghiệp, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; rà soát tình hình tiếp nhận, xử lý dữ liệu quan trắc tự động, vai trò phát hiện kịp thời các hành vi xả thải trái quy định, các sự cố môi trường xảy ra trong thời gian qua của Trạm Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường...

Cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên dự án không xâm hại môi trường, sử dụng công nghệ cao

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của mình để thu hút thêm đầu tư, với một trong những trọng tâm tập trung vào vốn đầu tư vào phát triển các khu công nghiệp xanh, bất động sản công nghiệp. Tỉnh cũng định hướng cam kết thu thập các dự án do các tổ chức quốc tế lớn đặt ra, áp dụng công nghệ cao cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ của môi trường xanh. Tập trung vào thế mạnh như hậu cần và các ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí và hóa dầu.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp sử dụng các phương pháp quản lý hiện đại và công nghệ cũng như bảo tồn môi trường sẽ chiếm 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Nhờ cam kết của nhà đầu tư sử dụng thiết bị hiện đại và loại bỏ các máy móc lỗi thời và công nghệ thấp, nhờ đó, năng suất đã cao hơn và chất lượng sản phẩm vượt trội, có khả năng cạnh tranh. Từ đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành điểm đến xanh cho các dự án ít lao động và thân thiện với môi trường.

Nói về lý do chọn BR-VT, nhiều doanh nghiệp cho rằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính của BR-VT luôn được đánh giá và xếp hạng cao. Hơn nữa, BR-VT là địa phương luôn chủ động tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư tại tỉnh.

Phát huy thành quả đạt được, để hướng đến nền "công nghiệp xanh", chỉ thị về thu hút đầu tư nước ngoài do Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT ban hành nêu rõ 8 loại hình dự án không thu hút đầu tư. Trong đó, đáng kể nhất là các dự án chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, sản xuất thép - nhất là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao), sản xuất giấy các loại hoặc bột giấy, chế biến bột cá... Ngoài ra, BR-VT cũng hạn chế thu hút đầu tư đối với các dự án như công nghiệp xi mạ, chế biến hải sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp,...

Mục tiêu của tỉnh BR-VT là đến năm 2030, mọi người đều được sống trong môi trường khỏe mạnh, hạnh phúc và được hưởng nhiều phúc lợi, thúc đẩy cơ hội được học tập suốt đời. BR-VT cũng yêu cầu tất cả các dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, bảo đảm chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định./.

Bảo My

Tags khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu công nghệ sạch

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục