Ảnh minh hoạ
5 cụm công nghiệp hiện có tại tỉnh Tiền Giang bao gồm cụm công nghiệp Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận, An Thạnh, Gia Thuận 1 với diện tích gần 159 ha. Tổng vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng đăng ký 422 tỷ đồng và đã kêu gọi được 79 dự án thứ cấp, trong đó có 06 dự án FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2.300 tỷ đồng và 150,3 triệu USD. Diện tích đất cho thuê là 88,73/120,56 ha, chiếm tỷ lệ 73,6% diện tích đất công nghiệp cho thuê, tạo việc làm cho trên 21.700 lao động.
Trên địa bàn tỉnh cũng có 4 cụm công nghiệp gồm: Tân Lý Đông, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân, Gia Thuận 2 đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư hạ tầng, tổng diện tích 199,3 ha, với tổng vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng đăng ký trên 1.091 tỷ đồng. Chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp là doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hàng loạt cụm công nghiệp gồm: cụm công nghiệp Mỹ Lợi, thị xã Gò Công; cụm công nghiệp Long Bình, cụm công nghiệp Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây.
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua thực hiện theo quy hoạch; đáp ứng được yêu cầu, thu hút nhà đầu tư hạ tầng; tạo môi trường về mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; kinh phí hỗ trợ, việc di dời các doanh nghiệp vào cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn vướng mắc làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc quy hoạch và phát triển các CCN thời gian tới phải tuân thủ nguyên tắc quy hoạch, trong quá trình thực hiện quy hoạch nếu phát sinh những vấn đề có đủ cơ sở đánh giá CCN không thể tồn tại thì mạnh dạn đề xuất hoặc tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời phải tuân thủ cơ sở pháp lý, trong đó lưu ý về chế độ ưu đãi của CCN.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu việc triển khai xây dựng các CCN; các ngành hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc mời gọi, thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt chia sẻ những khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp; trong đó, ông lưu ý nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư cần nghiên cứu kỹ đặc điểm dân cư, mối quan hệ để có biện pháp xử lý phù hợp đối với công tác giải phóng mặt bằng; phương án về tài chính về bồi thường phải nhất quán.
Được biết, để đón làn sóng đầu tư sau dịch Covid-19, năm 2022, Tiền Giang đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động, hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện tích khi có nhu cầu; thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, chính sách đất đai,… nhằm tạo mặt bằng sản xuất công nghiệp.
Mục tiêu của tỉnh năm 2022 vẫn là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, ít ảnh hưởng đến môi trường; mời gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; tập trung mời gọi đầu tư từ các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.../.
An Na (T/h)