Các Khu công nghiệp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 22/10/2022 | 11:23:01 AM

QLMT - Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phải dành tối thiểu 10% diện tích đất trồng cây xanh, doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh.

Quá trình công nghiệp hóa, bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, cũng để lại nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển bền vững hơn

Số liệu từ Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước có 563 KCN nằm trong Quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam (tính cả KCN trong khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu). Trong đó có 397 KCN đã được thành lập, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 82,6 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy KCN đã thành lập trên cả nước đạt khoảng 52,5%.

Tuy nhiên, sau một thời gian hình thành, phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu, cụm CN trong những năm gần đây rất lớn, tốc độ gia tăng cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ lĩnh vực khác.

Thống kê của Bộ TN&MT, tỷ lệ KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu đã đi vào hoạt động mà chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả, xuống cấp.

Trong khi đó, theo ước tính khoảng 70% trong số hơn một triệu mét khối nước thải mỗi ngày, đêm phát sinh từ các KCN xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Các Khu công nghiệp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh - 1
Khi xây dựng và phát triển khu đô thị công nghiệp thì vấn đề môi trường là vấn đề tối thiểu phải giải quyết, sau đó là vấn đề kiến tạo không gian sống chất lượng. Ảnh TL

Hiện nay, rất nhiều Khu công nghiệp trên địa bàn trên cả nước được quy hoạch không bảo đảm diện tích cây xanh và xử lý chất thải nên môi trường bị phá hoại và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Nhiều địa phương đã bị coi là "bê tông hóa” và khiến cho đất trở nên khô cằn và nhiễm độc chất thải.

Các kiến trúc sư cảnh quan chia sẻ, KCN là khu vực dành cho phát triển công nghiệp theo một quy hoạch cụ thể. Với đặc thù các loại hình sản xuất đang hoạt động trong các KCN hiện nay như : luyện cán thép, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thép, bê tông, gia công cơ khí, dịch vụ và các ngành công nghiệp nặng khác, thì trong quá trình hoạt động, việc phát sinh các nguồn chất thải như khói bụi, khí thải, nước thải, rác thải không thể tránh khỏi.

Vì vậy, phát triển mảng xanh KCN để làm sạch môi trường, giảm thiểu khí độc hại, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu do tăng nhiệt độ tại các KCN là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường, tăng cường cảnh quan sinh thái phục vụ cho mục đích phát triển bền vững.

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phải dành tối thiểu 10% diện tích đất trồng cây xanh, doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh.

Quy định này nhằm làm giảm diện tích bê tông, giảm hiệu ứng nhà kính và hướng đến tạo cảnh quan sinh thái phục vụ mục đích phát triển công nghiệp bền vững.

Mặc dù chưa đạt được tỷ lệ tuyệt đối, nhưng các chủ đầu tư phát triển hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN đã quan tâm đến việc phát triển mảng xanh.

Các Khu công nghiệp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh - 2
Công nghiệp xanh giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường

Các KCN đảm bảo tối thiểu 10% diện tích cây xanh

Để hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, những năm gần đây, nhiều tỉnh thành như Hà Nội; Bắc Ninh; Bắc Giang; Hải Phòng; Hải Dương; Bà Rịa -Vũng Tàu; Đồng Nai... có nhiều giải pháp hữu hiệu như thu hút đầu tư có chọn lọc; đầu tư vốn cho các công trình nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn, công trình cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, trong đó có trồng cây xanh.

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng quy định đối với chủ đầu tư hạ tầng, diện tích đất trồng cây, vườn hoa, sân cỏ trong hàng rào tối thiểu phải bằng 10% tổng diện tích của toàn bộ KCN, cụm công nghiệp; diện tích đất cây xanh trong khuôn viên nhà máy tối thiểu 20% tổng diện tích đất xây dựng.

Theo ông Nguyễn Quang Long, Trưởng Ban Quản lý các KCN, Khu chế xuất Hà Nội, hiện nay nhiều KCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đều thực hiện nghiêm túc việc dành đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Trong đó, có nhiều đơn vị phát triển hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN đã đầu tư hệ thống cây xanh khá bài bản, đồng bộ, tạo cảnh quan sinh thái, tạo bức tường xanh làm giảm khí thải, bụi thải, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất.

Các Khu công nghiệp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh - 3
KCN Thăng Long (TLIP) được thành lập năm 1997 với chủ đầu tư là Công ty TNHH KCN Thăng Long; đây là liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty Cơ khí Đông Anh (Việt Nam).

Để đạt được kết quả này, ngay từ khâu quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý các KCN, Khu chế xuất Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phát triển hạ tầng xây dựng quy hoạch KCN phải có đầy đủ các hạng mục theo quy định, trong đó, đảm bảo diện tích cây xanh tối thiểu là 10% tổng diện tích của KCN. Hằng năm có kế hoạch chỉnh trang, trồng cây xanh tại các tuyến đường nội bộ, khuôn viên của KCN. Đối với các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, ban quản lý yêu cầu mỗi công ty phải dành tối thiểu 20% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông; kiên quyết không cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp không đảm bảo yếu tố này.

Các KCN, doanh nghiệp trong KCN có thể trồng cây xanh theo dải liền khối (công viên) hoặc trồng xen kẽ giữa các công trình xây dựng, ở dải phân cách đường giao thông, hành lang công trình, tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho giao thông, phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố môi trường và phù hợp không gian kiến trúc khu vực xung quanh. Các trạm xử lý nước thải cũng phải trồng cây xanh để hạn chế mùi hôi phát tán ra xung quanh.

Doanh nghiệp phải tham gia

Thực hiện quy định của pháp luật về môi trường và hưởng ứng phong trào Trồng cây xanh, nhiều doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai quan tâm và thực hiện tốt quy định về trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy. Tích cực tham gia trồng các loại cây xanh, thảm cỏ ở KCN và trồng rừng góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường hiệu quả.

Các Khu công nghiệp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh - 4
Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh TL

Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một trong những doanh nghiệp tiên phong và thực hiện tốt quy định về trông cây xanh. Theo lãnh đạo công ty, từ khi thiết kế xây dựng, công ty yêu cầu phải có công viên gần nhà ăn, có dải cây xanh ngăn cách các khu, nhà xưởng. Ngay khi xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để trồng nhiều loại cây xanh, thảm cỏ. Công ty thuê đội ngũ làm công tác vệ sinh môi trường và chăm sóc cây xanh thường xuyên nhằm xây dựng môi trường thân thiện, tạo khuôn viên thoáng mát và trong lành cho công nhân nghỉ ngơi.

Các Khu công nghiệp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh - 5
Mảng xanh trong khuôn viên Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu)

Tại Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch), nhiều cây xanh thuộc hàng cổ thụ được trồng bao quanh khuôn viên nhà máy. Bên trong, nhiều bồn hoa, cây cảnh được bố trí đẹp mắt. Bà Nguyễn Thị Tiếp, quản lý nhân sự công ty cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực tạo nên một nhà máy xanh. Ở mỗi nhà xưởng, nhà kho đều được bao quanh bằng hệ thống cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ. Những tán cây vừa làm giảm độ nóng cho nhà xưởng, hạn chế tiếng ồn, mùi hôi vừa tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp - thân thiện cho công nhân.

Trên thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy theo quy định. Nguyên nhân là chi phí thuê đất công nghiệp ngày càng cao, việc đầu tư và duy trì công trình cây xanh tốn kém, do thay đổi về tỷ lệ diện tích cây xanh tối thiểu thời điểm trước và sau năm 2015, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến môi trường.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Kế hoạch yêu cầu Ban Quản lý các KCN Đồng Nai rà soát, kiểm tra tỷ lệ diện tích tối thiểu trồng cây xanh theo quy định đối với chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN. Vận động doanh nghiệp phát triển thêm cây xanh trong khuôn viên nhà máy, hành lang KCN để hạn chế ô nhiễm môi trường; yêu cầu và có chế tài với doanh nghiệp không trồng cây xanh theo quy định.

Theo Th.s Vũ Thị Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và dịch vụ sinh vật cảnh, càng phát triển công nghiệp càng cần nhiều những "lá phổi xanh”. Ngoài tác dụng tích cực đến môi trường, tạo bóng mát, cây xanh cảnh quan trong KCN còn góp phần rất lớn trong việc tạo nên giá trị thẩm mỹ, giảm căng thẳng, tạo ra một môi trường làm việc và sinh hoạt thoải mái cho con người. Cây xanh có thể hấp thụ khoảng 35% nhiệt lượng của ánh sáng mặt trời, làm tăng độ ẩm của không khí 10-25%; giúp giảm ồn hữu hiệu; khử độc trong đất và nước, diệt khuẩn. Bên cạnh đó, cây xanh còn có khả năng hạn chế các chất độc khác do sự hấp thụ hay ngăn cản bởi hệ lá, bề mặt đất trồng đối với các chất như SO2, chì, carbon, các hạt bụi mù khói của các KCN. 

Còn theo KTS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc quy hoạch TP.HCM, đầu tư vào mảng xanh là đầu tư cho phát triển bền vững. Cảnh quan cây xanh có vai trò rất quan trọng với môi trường, nhất là môi trường ở các KCN. Việc tổ chức kiến trúc cảnh quan trong các KCN cần phải hài hòa, làm giảm bớt sự khô cứng của hình khối công trình, máy móc và thiết bị. Cần khai thác tốt điều kiện địa hình tự nhiên để đưa các công trình kỹ thuật và kiến trúc thực vật làm yếu tố thẩm mỹ trong tổ chức kiến trúc cảnh quan KCN. Đầu tư cho cảnh quan cây xanh trong các KCN là đầu tư để phát triển bền vững.

Các khu công nghiệp xanh mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Tăng khả năng cạnh tranh, mức độ uy tín thương hiệu. Và là phương án hiệu hữu trong việc bảo vệ môi trường sống. Vì vậy trong tình hình hiện tại, cần khuyến khích các doanh nghiệp, công ty tham gia vào công cuộc xây dựng này hơn. 

Tùng Anh


Tags quy hoạch xây dựng Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia diện tích đất trồng cây xanh Khu công nghiệp

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục