Bình Dương đặt mục tiêu phát triển khu công nghiệp '3 trong 1'

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2022 | 10:52:47 AM

QLMT - Từ nay đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 10.962ha. Về dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong 9 tháng năm 2022, tỉnh thu hút được nguồn vốn trong nước là hơn 10.133 tỷ đồng, tăng 297,04% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 921,21% kế hoạch năm 2022; nguồn vốn nước ngoài là 2,45 tỷ USD, tăng 63,23% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 204,46% kế hoạch năm 2022.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín cho biết, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình "3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Do đó, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp; đồng thời, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư.

Bình Dương đặt mục tiêu phát triển khu công nghiệp '3 trong 1'
Ảnh minh hoạ

Chính sách phát triển các khu công nghiệp bền vững của tỉnh Bình Dương đang phát huy hiệu quả khi thu hút được sự quan tâm từ các tập đoàn đầu tư quốc tế lớn. Đơn cử như mới đây, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã đầu tư dự án xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD trên diện tích 44ha tại Khu công nghiệp VSIP III (thị xã Tân Uyên). "Bình Dương có hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị và dịch vụ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn LEGO”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ LEGO Việt Nam Preben Elnef nói.

Là doanh nghiệp tiên phong, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH một thành viên (Becamex IDC) chủ động phát triển hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Chủ tịch Hội đồng quản trị Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Chúng tôi đã tạo được hệ sinh thái rất tốt ở từng khu công nghiệp, dần dần phát triển nhân rộng ra nhiều khu công nghiệp. Vấn đề cốt lõi nhất là vừa phát triển khu công nghiệp, vừa phát triển thương mại - dịch vụ, trong dịch vụ có đô thị, trong đô thị có định cư cho người dân, bao quanh là hệ sinh thái hoàn chỉnh về giao thông, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục chất lượng cao…”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, tỉnh Bình Dương cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu phát triển các khu công nghiệp với hệ sinh thái hoàn chỉnh, bền vững và hiện đại.

Hạ tầng đô thị đi trước một bước

Từ vùng đất thuần nông, khô cằn, Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã có sự "thay da đổi thịt” nhanh chóng với đường sá đẹp đẽ, rộng rãi, rợp bóng cây xanh. Tương tự, dù "sinh sau, đẻ muộn”, nhưng các khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng, Cây Trường… cũng đang được đầu tư xây dựng, giúp huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) có hạ tầng công nghiệp phát triển. "Các khu công nghiệp được xây dựng và mở rộng rất quy mô và hiện đại, hạ tầng đô thị đồng bộ, giúp người lao động yên tâm làm việc”, chị Bùi Thu Cúc (làm việc tại Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng) chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Puratos Grand-Place Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) Gricha Safarian cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đi trước một bước là yếu tố then chốt. Chính quyền tỉnh Bình Dương đã xác định đúng hướng khi đẩy mạnh xây dựng đồng bộ hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Còn theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín, tỉnh Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, trong đó, hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Bởi với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, các khu công nghiệp sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị cùng tiến bước.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết, tỉnh Bình Dương đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nhanh như tuyến đường Vành đai 3, chủ động hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 16km (đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn); tuyến cao tốc đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng dài 64km thông xe toàn tuyến năm 2021. Đây là những tuyến đường chính đi qua các khu công nghiệp lớn trên địa bàn và kết nối đến cảng biển quốc tế khu vực Đông Nam Bộ, góp phần giúp giao thông thuận lợi./.

PV (T/h)

Tags Bình Dương khu công nghiệp 3 trong 1

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự