Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cắt giảm 30% thời gian xử lý nhiều thủ tục hành chính để đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.
Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư từ 15 ngày giảm xuống còn 10 ngày
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý Hepza đã cho biết như vậy tại Hội nghị gặp gỡ giữa Ban Quản lý Hepza và các doanh nghiệp của 6 Khu công nghiệp trên địa bàn được tổ chức ngày 28/9.
Hội nghị nhằm lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất các chính sách hỗ trợ để cơ quan quản lý Thành phố đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.
Một trong những kết quả nổi bật trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Ban Quản lý Hepza thời gian qua là đã cắt giảm 30% thời gian xử lý đối với 3 thủ tục hành chính (TTHC) tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX), gồm:
- Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.
- Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đăng ký điều chỉnh từ 10 ngày xuống 7 ngày
- Giảm thời gian xử lý đối với thủ tục Báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 9 ngày còn 7 ngày.
"Việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nhất là sau thời gian dài xảy ra dịch bệnh", ông Trực nhấn mạnh.
Đối với việc "Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày", Ban Quản lý tiếp tục thực hiện đối với 7 TTHC cho đến hết năm 2022. Ngoài ra, Ban Quản lý đã rà soát và báo cáo với UBND Thành phố xin ý kiến thực hiện giải quyết trong 1 ngày làm việc đối với 5 TTHC trong danh sách này kể từ năm 2023.
Chia sẻ tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã phản ánh một số tồn tại như vấn đề xử lý môi trường, thoát nước, thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư, thanh kiểm tra phòng cháy chữa cháy… Thời gian giải quyết TTHC ở một số đơn vị còn chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nêu câu chuyện từ thực tế của doanh nghiệp, ông Lưu Tiến Cảo, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Merufa, đóng trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh phản ánh, vừa qua công ty nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đề nghị điều chỉnh vốn điều lệ trên Giấy phép đăng ký kinh doanh cho đúng với vốn thực góp. Tuy nhiên đã 4 tháng nhưng công ty vẫn chưa nhận được phản hồi của Sở này. Việc chậm "hồi âm" từ phía Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ảnh hưởng đến việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ ghi trên Giấy phép kinh doanh phù hợp theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh…
Trước đó, Hepza đã khảo sát và phản hồi của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các vấn đề như tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân; vấn đề duy tu, sửa chữa cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các KCN; công tác đảm bảo an ninh trật tự trong KCN; hướng dẫn các quy định về thủ tục bổ sung mục tiêu của dự án đầu tư, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế và khó tuyển dụng lao động có tay nghề…
Các doanh nghiệp mong muốn Ban Quản lý Hepza phối hợp cùng các đơn vị hỗ trợ cung ứng lao động để các công ty hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất chủ động tuyển dụng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất phục hồi sau đại dịch COVID-19./.
Duy Anh (T/h)