Thường trực Thành ủy Hà Nội giao ban về phát triển khu, cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/9/2022 | 4:40:32 PM

QLMT - Chiều 28-9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.


Quang cảnh Hội nghị giao ban quý III-2022 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Tham dự còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các quận, huyện, thị ủy; các sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.

Hội nghị giao ban tập trung vào 2 nội dung: Đánh giá tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.


Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Bàn giải pháp phát triển khu, cụm công nghiệp

Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo về tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,4ha; trong đó, có 9 khu công nghiệp (diện tích khoảng 1.270,5ha) đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tính đến đầu năm 2022, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 166.000 người lao động, với 711 dự án; trong đó, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 19.000 tỷ đồng. Bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng hơn 4,1 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 80 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm…

Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư như trước đây.


Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung trình bày báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo về công tác tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa không ngừng, trong đó, có tốc độ tăng dân số cơ học, Thủ đô đang chịu nhiều áp lực dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn cháy, nổ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn song hành với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này.

Đặc biệt, thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và duy trì 86 mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy... Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã định kỳ tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh điều hành phiên thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã điều hành phiên thảo luận về hai nội dung chính của hội nghị.

Đại diện lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành đã nêu nhiều ý kiến nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế về quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý các khu, cụm công nghiệp cũng như công tác phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Qua đó nêu nhiều kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường phát biểu ý kiến tại hội nghị.


Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phát biểu ý kiến tại hội nghị.


Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu ý kiến tại hội nghị.


Lãnh đạo Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến góp ý, qua đó thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Đánh giá cao kết quả phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với việc thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín, tạo việc làm cho hơn 246.000 người lao động, song Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Đó là tiến độ đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới còn chậm. Đến nay, mới đầu tư được 6 cụm công nghiệp, còn lại 37 dự án cụm công nghiệp hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp cũng chưa được giải quyết căn cơ, triệt để. Tình trạng mất an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp như: Tín dụng đen, ma túy... vẫn xảy ra.

Để khắc phục những hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, bảo đảm cải cách tối đa các thủ tục hành chính; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền… Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng cần nghiên cứu, tính toán việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, đơn vị thực hiện một số thủ tục đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp ký cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ… Trong đó, cần ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các quận, huyện, thị xã, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Liên quan đến công tác phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các ban, sở, ngành. Song, đồng chí cũng nhìn nhận tình hình cháy, nổ tại Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Nguyên nhân là do công tác phòng cháy, chữa cháy của các cấp, ngành và nhân dân ở một số nơi còn hạn chế; ý thức phòng ngừa, kỹ năng thoát hiểm của một số bộ phận người dân chưa cao… dẫn việc xảy ra những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và của.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy… Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các cấp, ngành cần chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đúng quy định tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Các địa phương, đơn vị tăng cường tập huấn nghiệp vụ, đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy, đặc biệt là cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhấn mạnh những nội dung được đưa ra thảo luận tại hội nghị đều là những nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô, song Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, các cấp, các ngành của Thủ đô sẽ khắc phục được những khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra./.

An Na (T/h)

Tags Thành ủy Hà Nội giao ban hội nghị giao ban phát triển khu công nghiệp cụm công nghiệp

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục